1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trang bị sách cho các cơ sở nhằm nâng cao năng lực cán bộ

(Dân trí) - Ngày 30/3, Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo TƯ và NXB Chính trị quốc gia - Sự thật chính thức thông báo triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn khu vực phía Nam. Theo đó trong năm 2011, sẽ cung cấp 24.500 đầu sách cho 63 tỉnh thành.

Trang bị sách cho các cơ sở nhằm nâng cao năng lực cán bộ - 1

Trong năm 2011 sẽ có 24500bản/đầu sách cho 63 tỉnh thành

Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn nhằm mục đích cung cấp cho các xã, phường, thị trấn trong cả nước những cuốn sách thiết yếu về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị trên địa bàn cấp xã, góp phần nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.

Các đầu sách được cung cấp gồm: sách phổ biến, giáo dục lý luận chính trị, pháp luật và kiến thức quản lý cấp cơ sở. Sách giới thiệu các điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt, việc tốt; đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái, thù địch; đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống. Sách phục vụ Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và sách đặc thù cho các xã, phường, thị trấn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo…

Năm 2010, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thí điểm cho 16 tỉnh, thành phố trong cả nước với 45 đầu sách trang bị cho hơn 4000 xã, phường, thị trấn.

Trong quá trình triển khai, theo đại diện các tỉnh thành số lượng sách đưa về dù có rất nhiều đầu sách phổ biến kiến thức cho mọi đối tượng, nhưng sách vẫn “nằm nguyên trong tủ” hoặc mới chỉ dừng lại ở đội ngũ cán bộ xã, phường mà chưa đến được người dân trong các thôn bản.

Thậm chí đối với những sách phổ biến pháp luật, nhiều nơi chưa được cập nhật thông tin vẫn là những điều Luật cũ, lạc hậu lại được đặt tại trụ sở xã nên người dân khó tiếp cận.

Trang bị sách cho các cơ sở nhằm nâng cao năng lực cán bộ - 2

Các sách đưa về xã, phường, thị trấn phải thiết thực, bổ ích cho cán bộ và người dân

Ngoài ra ban tuyên giáo các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk cũng đề nghị nên có những đầu sách viết bằng tiếng dân tộc, ghi tiếng, ghi hình vì người dân ở đây đa số là các dân tộc thiểu số.

Một số Tuyên giáo các tỉnh cũng đề nghị, ngoài việc cấp phát sách, nên cập nhật các thông tin tài liệu lên mạng… “Với cách làm này sẽ đến được với nhiều người dân và đặc biệt giới trẻ sẽ có nhiều điều kiện tiếp cận hơn” ông Ngô Văn Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo Quảng Nam nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, sách đưa về phải thiết thực, bổ ích. Tiêu chí quan trọng nhất, khi có sách rồi cần tuyên truyền cho bà con qua hệ thống truyền thanh.

“Tuy nhiên, sách có đến tận tay người dân hay không mấu chốt nằm cán bộ cơ sở. Trung ương có cố gắng đôn đốc nhưng cán bộ xã phải gương mẫu thực hiện văn hóa đọc và vận động nhiều người đọc mới nâng cao kiến thức cho người dân.” Ông Kỷ nhấn mạnh

Hoài Lương