Trận lũ quét kinh hoàng ở Tuần Giáo qua lời kể người bị nước cuốn trôi
Sau hơn một ngày trôi qua, người dân thị trấn Tuần Giáo, nhất là ở khối Huổi Củ và Tân Tiến vẫn chưa hết bàng hoàng vì sự đột ngột, tàn phá nặng nề của cơn lũ ống diễn ra vào 7h sáng ngày 1/8. Tuy nhiên, hậu quả của cơn lũ ngoài thiên tai còn có cả lý do… “nhân tai”!
Thoát chết nhờ ... gốc mận
Sáng ngày xảy ra cơn lũ, chị Đặng Thị Nhụy, Lường Thị Thanh (trú tại khối Huổi Củ) và một số người dân kiểm tra an toàn cho ao vườn nhà mình. Đúng lúc đó, cơn lũ tràn về. Chưa hết hoảng loạn, chị Đặng Thị Thụy, trú tại khối Huổi Củ, người sống sót sau khi bị lũ cuốn, bàng hoàng, kể lại : “Tôi nghe thấy tiếng ầm ầm như động đất. Nhìn lên, thấy cột nước cao gần chục mét đổ ập xuống. Cơn lũ cuốn phăng tôi đi, nhưng rất may tôi bám được vào một cột hàng rào sắt trên một ụ đất. Sau hơn 20 phút gào thét, kêu cứu tôi được bà con hàng xóm cứu sống”. Còn chị Thanh cũng may mắn thoát chết nhờ bám chặt vào… gốc mận!
Cùng trú tại khối Huổi Củ, anh Vi Văn Pấng, người đã cứu vợ chồng anh chị Kiều, Thoa cùng cháu nhỏ chưa đầy 10 tuổi, kể lại: “Nghe trưởng phố điện thoại báo tin, anh hô hoán, thông báo cho các gia đình lân cận và chạy đến nhà anh Kiều, chị Thoa. Chỉ trong chốc lát, nước đã ngập đến cổ. Nhìn thấy anh Kiều đang ôm con nhỏ bám vào bờ rào, sắp bị nước cuốn đi, anh nhanh chóng hỗ trợ đưa hai bố con anh Kiều đến nới an toàn và tiếp tục cứu thoát chị Thoa. Mặc dù được cứu sống, nhưng tài sản của gia đình chị Thoa đã bị cuốn trôi và hư hỏng hoàn toàn. Trong căn nhà trống hơ, trống hoác, chị Thoabuồn rầu : “Gia đình tôi đều là cán bộ, công chức, tài sản trong gia đình bị lũ cuốn hết rồi, không biết nay mai sống thế nào nữa”.
Cận cảnh nơi cơn lũ “quét” qua.
Thiệt hại về tài sản nặng nề nhất trong cơn lũ tại thị trấn Tuần Giáo là gia đình anh, chị Dương Dung (khối Tân Tiến). Gia đình Dung mở cửa hàng kinh doanh xe máy, xe đạp điện từ nhiều năm nay. Khi xảy ra cơn lũ trong cửa hàng của chị có hàng trăm xe máy, xe đạp điện. Nước lũ ập vào phía sau, phá hai cửa hậu, một cửa ngách, cuốn trôi hàng chục xe máy, 3 bộ bàn ghê sô pha, bàn ăn của gia đình, ti vi, tủ lạnh và nhiều tài sản có giá trị khác. Rất may, tất cả thành viên trong gia đình không bị thiệt mạng. Sát vách nhà anh chị Dương Dung là cửa hàng may đo của anh Giáo. Khi cơn lũ tràn qua hàng ngàn mét vải của khách và của anh mới nhập về đã bị bùn, đất vùi lấp.
Thiên tai và cả… “nhân tai”?
Để tìm hiểu nguyên nhân xảy ra trận lũ ống kinh hoàng tại thị trấn Tuần Giáo, ngay sáng ngày xảy ra cơn lũ chúng tôi đã lần theo dòng nước để đến con đập bị vỡ. Con đập nằm chắn ngang một khe suối, cao và rộng chừng hơn chục mét. Một số người dân tại đây cho biết, con đập của một gia đình tự đắp để nuôi cá, tích nước trồng lúa, canh tác được khoảng 10 năm và chỉ có ống xả nước nhỏ. Những năm trước, do lượng mưa không lớn nên đập an toàn, nhưng hơn một tuần nay, nhất là đêm 31/7 do lượng mưa quá nhiều (khoảng 7 giờ mưa to, không ngớt), đập yếu nên đã bị vỡ. Theo quan sát của chúng tôi, lượng nước trong đập không quá lớn, nhưng do đập nằm ở vị trí khá cao, khi vỡ đã cuốn theo toàn bộ ao, hồ (cũng đang đầy nước) phía dưới thân đập tạo nên cơn lũ ống khủng khiếp nhất ở thị trấn Tuần Giáo từ trước đến nay.
Ông Bùi Văn Thắng, Trưởng khối Huổi Củ, cho biết: “Con đập trên là của gia đình anh Quàng Văn Son. Tháng 7, năm 2013, thấy được mối nguy hiểm của con đập lãnh đạo thị trấn Tuần Giáo đã thành lập đoàn công tác, kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu ông Son không được ngăn nước. Cấp ủy, chính quyền khối phố đã nhiều lần gặp gỡ ông Son, cảnh báo về sự nguy hiểm của con đập. Tuy nhiên, cho đến trước thời điểm xảy ra lũ con đập vẫn tồn tại, nước vẫn dâng và hậu quả là đập bị vỡ, gây ra cơn lũ ống kinh hoàng”.
Chiều ngày 1/8 thông tin về thiệt hại do lũ lụt gây ra trên địa bàn huyện Tuần Giáo, ông Lò Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện, cho biết ước tính thiệt hại do bão lũ gây ra trên 19 xã, thị trấn của huyện Tuần Giáo khoảng trên 110 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số thiệt hại trên có thể sẽ không cao đến như vậy, nếu như cơ quan chức năng kịp thời giải tỏa đập tự phát tại khối Huổi Củ và quản lý, xử lý các trường hợp xây dựng, nắn chỉnh, thu hẹp dòng chảy, bởi từ con đập này, con suối này hiểm họa về một trận lũ ống kinh hoàng đã được báo trước…!
Theo Lê Khánh Hòa
Công an nhân dân