1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

50 năm Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu:

Trận đánh nửa thế kỷ trước trong ký ức người lính Hải quân

(Dân trí) - "Đó là một trong những giai đoạn khó quên của cuộc đời lính chúng tôi. Cùng với quân dân cả nước, lính Hải quân tự hào đã góp một phần trong chiến thắng đầu tiên ấy”, người cựu binh Hoàng Sỹ Hồng xúc động nhớ lại trận đánh lịch sử của 50 năm về trước.

Tự hào là thế hệ đầu của Hải quân Việt Nam

Chúng tôi tìm đến ngôi nhà của người cựu binh Hoàng Sỹ Hồng (70 tuổi) tại khối phố 2, thị trấn Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ngôi nhà nhỏ đơn sơ là tổ ấm của 2 vợ chồng người lính thế hệ đầu tiên của binh chủng Hải quân Việt Nam. Gia đình ông có 3 người con đã lập gia đình, chỉ còn anh con trai út đang công tác xa.

Ông Hồng cho chúng tôi xem những bức ảnh trong những lần gặp mặt các đồng đội cũ của mình. “Chỉ có những bức ảnh mới này thôi. Ảnh cũ ít lắm nhưng cũng thất lạc hết rồi, thành ra những kỷ niệm đều cất hết vào đây”, ông cười chỉ vào mái đầu đã nhiều sợi bạc.

Ông Hồng sinh năm 1944, quê tại làng Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Sinh ra ở làng biển nên từ nhỏ ông đã nổi tiếng là tay bơi giỏi trong làng. Đến đầu năm 1962, khi đang học lớp 8 tại trường cấp 3 huyện Can Lộc, ông được lệnh về tuyển quân tại địa phương. “Vừa hay có tin, học sinh trong trường ai cũng háo hức bởi lần đầu tiên, địa phương có lệnh tuyển học sinh. Có lệnh nghỉ là lũ chúng tôi lập tức về nhà. Cả đoàn về gần trăm, nhưng năm ấy chỉ chọn lấy 36 người. Một trong những điều kiện trúng tuyển là phải biết bơi giỏi”, người cựu binh già nhớ lại.

Trận đánh nửa thế kỷ trước trong ký ức người lính Hải quân

Người cựu binh Hoàng Sỹ Hồng - nguyên lính Hải quân tàu HQ 173 từng tham gia trận đánh ngày 5/8/1964 tại cảng Sông Gianh Quảng Bình

Sau đó, ông cùng các chiến sĩ khác hành quân hơn 20km lên xã Đức Vĩnh (huyện Đức Thọ), tại đây mọi người được chở qua sông ngược lên vùng Hưng Khánh (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) để huấn luyện và học kỹ thuật về máy tàu trong vòng 9 tháng. Đến tháng 3/1963, ông Hoàng Sỹ Hồng được biên chế làm thủy thủ tại bộ phận hệ thống cơ điện của tàu  Tuần la (hay còn gọi là tàu 79 do trọng lượng của tàu là 79 tấn), mang số hiệu HQ 173 thuộc phân đội 6, căn cứ 2 đóng tại Hưng Hòa (huyện Hưng Nguyên).

“Cả tàu lúc này có 34 người gồm sĩ quan và chiến sĩ. Bộ phận của tôi làm nhiệm vụ quản lý và khai thác theo đúng quy trình, quy phạm hiện hành đối với tất cả hệ thống và trang thiết bị điện trên tàu như: máy phát điện, hệ thống tự động điều khiển từ xa, hệ thống thông tin liên lạc nội bộ, hệ thống tín hiệu, nguồn điện cho các maý móc điện hàng hải và các thiết bị khác với hiệu quả kinh tế cao. Cùng với bộ phận hàng hải, chúng tôi phải làm cho con tàu di chuyển đi đúng hướng”, ông Hồng cho biết.

Ký ức về trận đánh cách đây 50 năm

Giữa năm 1964, thời điểm đế quốc Mỹ mở trận tập kích ác liệt vào lực lượng Hải quân ta từ khu vực sông Gianh (Quảng Bình) trở ra. Từ cuối tháng 7, chúng tôi được lệnh của Bộ chỉ huy phải luôn trực trong tư thế sẵn sàng chiến đầu.
 
Đến tờ mờ sáng ngày 5/6/1964, tàu chúng tôi được lệnh tăng cường vào cảng Sông Gianh tại Quảng  Bình cùng với tàu HQ 175. Do thời điểm này, tàu chúng tôi là một trong những tàu được trang bị pháo 37 ly (bắn trong vào bán kính 4km). “Khi nhận lệnh cũng là lúc tôi vừa tròn 20 tuổi. Nhiều chiến sĩ trên tàu cũng trạc tuổi tôi. Đây cũng là trận đánh đầu tiên chúng tôi giáp mặt với máy bay. Ai cũng hồi hộp lo lắng, không phải sợ hy sinh mà sợ chưa đủ kinh nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ. Không ai bảo ai, mọi người đều tự dặn phải cố gắng hết sức chiến đấu”, ông Hồng bồi hồi nhớ lại giây phút chuẩn bị lên đường.

Đến khoảng tầm 11h ngày 5/8, chúng tôi đã vào tới cảng Sông Gianh, chưa kịp ăn cơm trưa thì được lệnh phải mở hết áo pháo (đầu pháo được bịt lại bằng áo mưa) để sẵn sàng chiến đấu. Áo pháo vừa mở thì máy bay Mỹ bắt đầu oanh tạc trên bầu trời. Các tàu lần lượt cơ động rời khỏi cảng để ngênh chiến. “Mặc dù ở dưới boong tàu nhưng chúng tôi vẫn nghe rõ tiếng thả bom, bắn rốc-két xuống các tàu liên tục của máy bay Mỹ. Để đảm bảo công tác chiến đấu, anh em chúng tôi phải căng tai tập trung hết sức để nghe rõ, đủ hiệu lệnh của chỉ huy, không bỏ sót một từ. Nhiều anh em vừa vào đến nơi, quãng đường xa bị say sóng nhưng vừa nghe thông báo đã vào ngay vị trí, căng sức chiến đấu”, giọng ông hào hứng.

Tại cảng sông Gianh, các tàu hải quân của ta đã nhanh chóng cơ động nổ súng kịp thời từ đợt công kích đầu tiên của máy bay Mỹ. Tiếp đó, các tàu chúng tôi cùng tàu 175, 177 và các trận địa súng máy, cao xạ hai bên bờ sông Gianh đều nổ súng đánh trả.

Lính Hải Quân trong trận đánh đầu tiên ngày 5/8/1964 (ảnh tư liệu)
Lính Hải Quân trong trận đánh đầu tiên ngày 5/8/1964 (ảnh tư liệu)

Đến gần 14h cùng ngày, máy bay Mỹ ngừng lại và 16h18 phút, Mỹ lại cho 5 chiếc F8U tiếp tục lao vào đánh phá cảng Gianh lần thứ hai. Các tàu 167, 181, 161 đã cơ động nhanh, bắn trả quyết liệt, vô hiệu hóa các đợt tiến công của địch. Cùng với các lực lượng, tự vệ ngư trường Sông Gianh, công an vũ trang, lực lượng dân quân các xã: Quảng Phúc, Quảng Thọ, Quảng Thuận, Thanh Trạch, Bắc Trạch... đã hiệp đồng chiến đấu, chi viện kịp thời cho lực lượng hải quân. Trước lưới lửa dày đặc của bộ đội và nhân dân ta, bọn giặc lái Mỹ không dám sà xuống thấp...

Tại vịnh Hòn La, chiếc tàu tải trọng 50 tấn của lực lượng hải quân, chở 22 cán bộ, chiến sỹ thuộc đơn vị Phòng bảo đảm hàng hải, Quân chủng Hải quân khi đang khảo sát tại vịnh thì máy bay Mỹ xuất hiện cắt bom đánh phá. Trên đài chỉ huy, chiến sĩ phụ trách tín hiệu thông tin bị thương. Ba máy bay hiện đại của Mỹ bay với tầm cao chừng 3 km hung hãn như muốn nuốt chửng con tàu. Bom nổ quanh con tàu, nhiều chiến sỹ bị thương.

Với tinh thần chiến đấu ngoan cường dũng cảm của các chiến sĩ hải quân, của quân dân Quảng Bình, trận đánh máy bay Mỹ đã giành được thắng lợi. Trong chiến thắng trận đầu, quân dân Quảng Bình cùng với bộ đội hải quân, bộ đội phòng không ba thứ quân đã bắn rơi 3 chiếc và bắn bị thương 1 chiếc máy bay Mỹ. Chiến thắng này mang ý nghĩa hết sức quan trọng cả về quân sự và chính trị, cỗ vũ mạnh mẽ khí thế đánh Mỹ, củng cố niềm tin cho quân dân cả nước.

“Tôi không nhớ con số thương vong tại trận chiến này. Riêng tàu tôi, đồng chí thuyền trưởng đã hy sinh”, ánh mắt người cựu binh chùng xuống.

Người lính Hải Quân nhiều lần được gặp Bác Hồ

Sau trận đánh lịch sử, ông Hoàng Sỹ Hồng tiếp tục tham gia nhiều trận đánh khác cũng tại Quảng Bình. Cũng tại đây, ông bị thương nặng trong trận đánh ngày 15/3/1965. Sau đó, ông được cử đi học về hệ thống các phương tiện của tàu máy tại Liên Xô, Trung Quốc và trở vềViệt Nam (năm 1967).

Một trong những niềm tự hào của ông Hồng là đã có một thời gian được ở gần Bác Hồ. Khoảng thời gian không dài nhưng những năm tháng được ở gần người đã để lại nhiều bài học sâu sắc cho ông. Vào đầu năm 1964, một nước bạn có tặng cho Bác  một con tàu trang bị máy móc rất hiện đại. Bộ chỉ huy yêu cầu mỗi tàu cắt cử 1 số chiến sĩ ưu tú để ra điều khiển tàu trong thời gian 7 ngày. Ông Hồng cũng nằm trong số đó. “Có một lần Bác xuống tàu cầm 1 bộ phận của máy tàu hỏi đây là cái gì. Một đồng chí giơ tay nói với Bác tên của bộ phận đó bằng tiếng Pháp. Bác lắc đầu nói, nếu biết tên tiếng Việt của nó sao không gọi để người khác dễ hiểu. Sau rồi Bác dặn dò, nên dùng tiếng Việt cho mọi người khác còn biết, như thế cũng là giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt nước ta. Nghe Bác nói mọi người có mặt ai cũng lặng đi”, ông Hồng xúc động nhớ lại kỷ niệm về Bác.

Một lần khác, “Khi đó chúng tôi đang ăn cơm dưới boong tàu thì Bác xuống thăm. Rồi Bác ngỏ ý muốn ăn chung cùng mọi người. Nhưng quả thật lúc này, bữa ăn chúng tôi rất đơn giản, ngoài cơm với một ít trứng còn lại là rau. Ai cùng ái ngại mời bác lên trên boong ăn theo chế độ khác. Nhưng Bác xua tay “Các chú ăn được, bác cũng ăn được”. Nói rồi Người ngồi chung với chúng tôi, vừa ăn vừa trò chuyện thân tình”.

Sau lần ấy, ông Hồng nhiều lần được gặp Bác nữa. Mỗi lần gặp Bác là mỗi kỷ niệm, bài học quý giá đối với người cựu binh.

Cuộc đời chinh chiến đã qua ngót gần nửa thể kỷ, nhưng với người cựu binh Hoàng Sỹ Hồng đó là những ký ức theo ông đi cùng năm tháng. Chiến tranh đi qua, 36 chiến sỹ được tuyển quân năm xưa may mắn đều sóng sót trở về.

Ông Hồng (người đứng thứ 5 hàng trên cùng từ phải qua) trong lần họp mặt cùng đơn vị
Ông Hồng (người đứng thứ 5 hàng trên cùng từ phải qua) trong lần họp mặt cùng đơn vị

Dù hiện nay người còn, người mất, nhưng hằng năm đến ngày 5/8, ông và các đồng đội cũ đều tổ chức họp mặt ôn lại những kỷ niệm của một thời hoa lửa. Hiện nay, người con trai đầu của ông cũng đứng vào hàng ngũ của lính Hải quân công tác tại Đồng Nai.
 
Phương Hồ