1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

50 năm Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu:

Trận đánh "giặc trời" trên thành phố Đỏ

(Dân trí) - Lưới đạn của trung đoàn pháo cao xạ 280, pháo trung cao, tiểu cao và dân quân tự vệ thành phố Vinh giăng đỏ trời. Chiếc máy bay trúng đạn bốc cháy cố lao ra biển. Đây là chiếc máy bay đầu tiên của không quân Mỹ bị bắn hạ trên bầu trời miền Bắc.

Ký ức của người lính năm xưa
 


Căn nhà nhỏ nép mình dưới chân núi Dũng Quyết (phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An) rợp trong bóng cây xanh. Người lính đã từng có những năm tháng chiến đấu trên đỉnh núi Dũng Quyết những ngày Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc, nay lại trở về bình yên dưới chân núi với người bạn đời của mình.

Ngắm nghía chiếc huy hiệu quyết thắng ngày 5/8, ông hồi tưởng về chiến công đầu của quân dân thành phố Đỏ quê mình. Khi đó, trung sỹ Lương Đình Hiếu (SN 1940) là khẩu đội trưởng khẩu đội 3, Trung đội B74, Trung đoàn pháo cao xạ 280 đóng trên đỉnh núi Dũng Quyết.

Ngay sau khi Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, ta đã dự đoán được khả năng địch sẽ sử dụng máy bay leo thang phá hoại miền Bắc. Vinh sẽ là một trong những trọng điểm bắn phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Để chủ động đối phó với địch, thành phố Vinh đã chỉ đạo sơ tán hơn 1 nghìn tấn máy móc để tiếp tục sản xuất. Phối hợp quân của Bộ, quân khu, Tỉnh xây dựng 15 đài quan sát, 23 điểm báo động, 92 trận địa pháo các loại, đào đắp gần 250 nghìn m3 công sự, 24 nghìn mét giao thông hào, thành lập 20 đội rà phá bom mìn, 173 đội cấp cứu tải thương....

Tình hình trở nên căng thẳng, báo động chiến đấu cấp 1 trên tất cả các trận địa. Trận địa pháo cao xạ trên đỉnh núi Dũng Quyết trực chiến 100% trên mâm pháo cả ngày lẫn đêm. Trên bầu trời, thường xuyên có máy bay U2 của Mỹ trinh sát ở tầm cao 10km. 11h15 phút ngày 5/8/1964, lệnh báo động về cấp 2. Bộ đội được lệnh nghỉ ăn cơm. Lương Đình Hiếu cùng một đồng chí quan sát thông tin ở lại trận địa đảm nhận nhiệm vụ trực ban.

Trận đánh đầu tiên với không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc được cựu chiến binh Lương Đình Hiếu tái hiện lại bằng chất giọng hào sảng của một người lính: “Khoảng 12h15 phút ngày 5/8/1964, tiếng động cơ máy bay từ hướng Đông Nam rõ dần. Bằng ống nhòm và quan sát mắt thường, tôi phát hiện 3 tốp máy bay địch, mỗi tốp 3 chiếc A.4D bay thấp dọc sông Lam vào. Ngay lập tức, tình hình được báo về sở chỉ huy. Báo động toàn đơn vị.

Ông Lương Đình Hiếu và chiếc Huy hiệu Quyết thắng được tăng sau trận đánh ngày 5/8/1964.
Ông Lương Đình Hiếu và chiếc Huy hiệu Quyết thắng được tăng sau trận đánh ngày 5/8/1964.

Tôi hất tấm bạt che pháo xuống, lắp 2 băng đạn, nhảy vào vị trí pháo thủ số 1. Đồng chí Thìn làm pháo thủ số 2 và bắn loạt đạn đầu tiên nhằm vào tốp máy bay thứ nhất ở cự li 2.200m. Tiếp đó, toàn đơn vị khai hỏa, bắn vào tốp máy bay thứ 2, thứ 3. Sau loạt đạn của chúng tôi, các đơn vị pháo trung cao, tiểu cao của trung đoàn 280 và lực lượng tự vệ thành phố bắn mãnh liệt vào đội hình máy bay địch. Mặc dù kho xăng dầu ở xã Hưng Hòa đang bốc cháy ngùn ngụt do trúng bom của Mỹ nhưng lưới đạn của ta vẫn dày đặc tầm cao, tầm thấp khiến chúng buộc phải phân tán đội hình. Một chiếc A.4D trúng đạn bốc cháy ngùn ngụt, các chiếc khác hoảng sợ tháo chạy ra biển”.

Sau trận đánh, các đơn vị được lệnh kiểm tra vũ khí, đạn dược, rút kinh nghiệm chiến đấu và tổ chức trực chiến trên mâm pháo, sẵn sàng đánh địch bởi xác định có thể Mỹ sẽ quay lại phá hoại thành phố lần thứ 2. Lúc này, tất cả các trận địa pháo phòng không đã bị lộ, yếu tố bất ngờ không còn, do đó trận chiến dự báo sẽ ác liệt hơn lần 1.

Ông Lương Đình Hiếu và chiếc Huy hiệu Quyết thắng được tăng sau trận đánh ngày 5/8/1964.
Huy hiệu Quyết thắng 5/8 được ông cất giữ cẩn thận để ghi nhớ những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Đúng như dự đoán, khoảng 16h30, 8 chiếc máy bay A.4D từ biển vào, nâng độ cao, lấy đỉnh núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) làm điểm bổ nhào công kích trận địa pháo trung cao ở Xuân An (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) và ném bom ồ ạt vào kho xăng dầu Bến Thủy. “Lần trước, chúng lợi dụng dãy núi Hồng Lĩnh, bay thấp để che “mắt thần” rađa nhưng với tinh thần cảnh giác cao độ, chúng ta phát hiện và đánh phủ đầu chúng ngay từ đầu. Sang trận đánh lần 2 này, ta chủ động tấn công địch.

Phía Nam thành phố lưới đạn đan dày đặc. Các đơn vị phòng không đồng loạt khai hỏa, chặn địch bổ nhào ném bom, bắn rốc-két các trọng điểm thành phố như nhà máy điện Vinh, cảng Bến Thủy, các trận địa… Bầu trời chiều đỏ rực bởi đạn pháo từ dưới mặt đất quyết tâm bắn hạ bọn "giặc trời". Thêm 2 máy bay Mỹ phải đền tội, số còn lại tháo chạy ra biển”, ông Hiếu kể tiếp.

Ông Lương Đình Hiếu và chiếc Huy hiệu Quyết thắng được tăng sau trận đánh ngày 5/8/1964.
Cuộc chiến đấu 50 năm trước vẫn nguyên vẹn trong ký ức người lính pháo binh trên núi Dũng Quyết.

50 năm trôi qua, sau những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, TP Vinh - TP Đỏ anh hùng đã hồi sinh, phát triển để xứng tầm với trung tâm văn hóa, kinh tế của Bắc Trung bộ. Đỉnh núi Dũng Quyết - trận địa pháo phòng không năm xưa nay đã trở thành một địa điểm du lịch tâm linh. Nơi đây, mọi dấu tích chiến tranh đã bị che phủ bởi một màu xanh rợp mắt của rừng thông, cứ như thể những khốc liệt của đạn bom chưa từng diễn ra trên mảnh đất này.
 
5/8/1964 - một mốc son lịch sử


(Video do đài truyền thanh truyền hình TP Vinh phối hợp thực hiện)

Vào lúc 12 giờ 25 phút ngày 05/8/1964, tám máy bay phản lực cường kích cất cánh từ tàu sân bay Ticonderoga chia thành hai tốp, bay thấp trờn biển làm cho ra-đa của ta khó phát hiện, rồi đột nhập Cửa Sót (phía nam huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), lợi dụng dãy núi Hồng Lĩnh, Nam Đàn che khuất và bay thấp theo triền sông Lam để đánh phá các mục tiêu ở khu vực Vinh - Bến Thủy.

Vọng quan sát của Trung đoàn 290 ở Cửa Sót đã phát hiện được máy bay địch. Đại đội 14 ra-đa đánh dấu được đường bay của máy bay địch trên bàn tiêu đồ. Nhưng do thông tin không thông suốt nên Trung đoàn Phòng không 280 bảo vệ thành phố Vinh không nhận được thông báo kịp thời...

50 năm đã trôi qua của quân và dân thành phố Vinh mãi không bao giờ quên trận đánh thắng đầu tiên.

50 năm đã trôi qua của quân và dân thành phố Vinh mãi không bao giờ quên trận đánh thắng đầu tiên.

Vinh đã bắn rơi 146 máy bay Mỹ, trong đó có chiếc máy bay đầu tiên (ngày 5/8/1964), chiếc máy bay thứ 100 (ngày 14/9/1966), thứ 300 (ngày 27/5/1965) của giặc Mỹ trên miền Bắc.

Ngày 16/9/1966, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi quân và dân thành phố: "Vinh là thành phố đầu tiên đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ. Đó là một thắng lợi quang vinh".
Chiến tranh càng ác liệt, bản lĩnh thành phố Đỏ càng được tôi luyện; quân và dân thành phố không sợ hy sinh, quyết tâm bám trụ, giữ vững huyết mạch giao thông và thông tin liên lạc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn. Vượt qua muôn vàn khó khăn, Vinh vẫn vừa chiến đấu vừa sản xuất, ổn định cuộc sống. Càng tự hào về những chiến công đó, chúng ta càng biết ơn các anh hùng liệt sĩ, những đồng chí thương binh đã xả thân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trận đầu đánh Mỹ của quân và dân thành phố.
 
Hoàng Lam - Nguyễn Duy