Trận càn tại căn cứ bí mật và giây phút chứng kiến đồng đội hy sinh
(Dân trí) - Máy bay trực thăng của đối phương sà xuống thấp, ông Dũng đặt khẩu AK kê lên cây thông rồi nhả loạt đạn. Sau những tiếng nổ, viên phi công đổ gục, máy bay đâm sầm xuống đất.

Tuổi thanh xuân nơi chiến trường
Trong căn nhà trên đường Thông Thiên Học, phường 2, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, ông Nguyễn Duy Dũng (76 tuổi) lần mở từng trang sách ghi chép lịch sử hoạt động hào hùng của mình và đồng đội.
Chỉ tay vào sơ đồ diễn biến một trận đánh, ông Dũng chia sẻ: "Đây là một trong những trận tấn công vang dội của tôi và đồng đội ở Đà Lạt vào năm 1970. Chỉ trong vòng 30 phút, chúng tôi tiêu diệt hoàn toàn mục tiêu".

Ông Nguyễn Duy Dũng chia sẻ với phóng viên (Ảnh: Nguyễn Dũng).
Ông Nguyễn Duy Dũng sinh ra và lớn lên tại một vùng nông thôn ở miền Bắc, nay là tỉnh Bắc Ninh. Năm 1968, tốt nghiệp ngành sư phạm, ông cùng các sinh viên, tri thức lên đường nhập ngũ. Sau quá trình huấn luyện, ông được Bộ Tư lệnh Đặc công tuyển chọn tham gia lực lượng.
Tháng 1/1969, ông Dũng cùng 60 chiến sĩ Đại đội T12-V9-C54b (Tiểu đoàn 1, Bộ Tư lệnh Đặc công) được cử vào hoạt động tại mặt trận Đà Lạt - Tuyên Đức (nay là thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng).
Nhấp xong ngụm trà, ông Dũng cất tiếng nói sang sảng: "Bọn tôi thường được gọi là những người lính "đặc biệt" bởi nhiệm vụ đặc thù là trinh sát, đánh các trung tâm trọng yếu của đối phương ở thành phố. Khó khăn, nguy hiểm nhưng không ít hào hùng".

Cựu binh Nguyễn Duy Dũng chia sẻ thông tin về một trong những trận đánh vào năm 1970 (Ảnh: Minh Hậu).
Ngày đặt chân đến Đà Lạt, ông Dũng cùng đồng đội phải thích nghi, chiến đấu trong những đêm lạnh buốt. Ở phố, lực lượng quân đội, cảnh sát đối phương canh phòng các mục tiêu trọng yếu nên suốt nhiều tháng trời, các chiến sĩ đặc công của ta phải tìm cách tiếp cận.
Có thời điểm, để thực thi nhiệm vụ, ông Dũng cùng đồng đội phải mang lên mình quân phục của địch để trà trộn vào vùng trung tâm thành phố.
"Súng, mũ, đạn dược, quần áo đều là chiến lợi phẩm thu được từ các trận đánh trước hoặc tìm cách sắm sửa. Khi mặc vào, chúng tôi phải tập luyện dáng đi, bắt chước cách nói chuyện của đối phương. Luyện cách thực hành ám hiệu để lực lượng của mình nhận diện, không bắn nhầm", ông Dũng kể.

Một đơn vị đặc công triển khai chiến đấu (Ảnh Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng).
Cựu lính đặc công tiếp tục câu chuyện, có hôm, ông cùng 4 đồng đội mặc quân phục của lính ngụy rồi dạo chơi, nghe ngóng thông tin trước khu vực Ga Trại Mát (nay thuộc phường 11, thành phố Đà Lạt). Lúc thấy lính Ngụy tụ tập trước tiệm sửa chữa đồng hồ, ông Dũng cùng các đồng đội cứ mặc nhiên lại gần. Mặc dù đã kề sát, thám thính thông tin nhưng đối phương không nhận ra.
Suốt nhiều năm liền, ông Dũng cùng đồng đội bám sát trận địa, theo sát từng hoạt động của địch. Các mục tiêu quân sự, trung tâm đầu não địch ở Đà Lạt được những người lính đặc công thu thập thông tin, vẽ bản đồ, lập sa bàn phục vụ kế hoạch tác chiến.
Những trận đánh rực lửa
50 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những ký ức về thời chiến đấu rực lửa vẫn còn in đậm trong tâm trí người lính. Vừa bấm đầu ngón tay, ông Dũng vừa đếm, trên địa bàn Đà Lạt, lực lượng đặc công đánh vào Trung tâm chiến tranh chính trị của Ngụy, kho quân cụ Quyết Tiến, Trung tâm cảnh sát dã chiến, tiêu diệt địch Đồn Kim Phát, tiêu diệt địch trong trận càn cuối năm 1970…

Sơ đồ trận đánh tại căn cứ bí mật ở hướng Đông Bắc của Đà Lạt được ông Dũng tái hiện (Ảnh: Minh Hậu).
Giọng đầy tự hào, cựu lính đặc công Nguyễn Duy Dũng kể, vào tháng 3/1970, sau 2 tháng trinh sát, ông cùng 40 lính đặc công được lệnh tấn công vào Trung tâm chiến tranh chính trị của Ngụy (nay là trụ sở một cơ quan nhà nước tại phường 8, thành phố Đà Lạt).
18h ngày 30/3/1970, sau khi dùng cơm tối, ông Dũng cùng đồng đội di chuyển từ căn cứ bí mật ở ngoại ô Đà Lạt vào mục tiêu. 1h ngày 31/3/1970, sau tiếng súng điểm hỏa, ông Dũng cùng các đồng đội tiến vào trong, áp sát từng căn nhà, tiêu diệt địch.
"Hôm đó, mỗi người lính mang theo ít nhất 4 quả bộc phá nặng 0,4-2kg. Theo kế hoạch tác chiến, chúng tôi áp sát các tòa nhà, các căn phòng rồi ném bộc phá vào trong. Cuộc tấn công ít gặp sự kháng cự nên chỉ sau khoảng 30 phút, hàng trăm tên địch đã bị chúng tôi tiêu diệt", ông Nguyễn Duy Dũng kể.

Đội Công binh tỉnh Tuyên Đức (nay là Lâm Đồng) chế tạo vũ khí phục vụ kháng chiến (Ảnh Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng).
Người lính đặc công tiếp tục câu chuyện, ngày 31/12/1970, ông cùng 20 chiến sĩ có cuộc chạm trán nhớ đời với một tiểu đoàn địch có sự hỗ trợ của 4 trực thăng. Cuộc chiến nổ ra tại căn cứ bí mật của quân ta ở hướng Đông Bắc thành phố Đà Lạt (nay thuộc địa bàn huyện Lạc Dương, Lâm Đồng).
Hôm đó, khi đội đang chuẩn bị dùng cơm trưa, bất ngờ bị toán lính Ngụy tấn công, bắn một chiến sĩ hy sinh. Trên những ngọn thông, 4 chiếc trực thăng quần thảo, yểm trợ cho bộ binh địch phía dưới tiến lên bắn phá. Ông Dũng cùng các đồng đội phải chọn các vị trí hầm hào, cây thông làm điểm tựa, chờ cơ hội phản công.
Ông Dũng bồi hồi nhớ lại: "Tôi đứng dưới gốc thông, trên đầu có chiếc trực thăng đang là là bay lại. Khi khoảng cách đủ gần, tôi tựa súng AK vào cây thông rồi nhả loạt đạn. Viên phi công Mỹ và một lính trên máy bay đổ gục, máy bay đâm sầm xuống bãi sình không xa. Ba trực thăng còn lại sau đó bay lên cao rồi rời khỏi chiến địa".
Máy bay rơi, ông Dũng cùng các đồng đội tiếp tục tiến lên, tận dụng địa hình, địa vật làm điểm tựa, nổ súng tiêu diệt kẻ thù.
Khi khoảng cách giữa 2 bên chỉ còn 5-6m, địch bắn liên hồi khiến ông Dũng và các đồng đội phải dựa vào các gốc thông để tránh đạn. Cây thông nơi ông Dũng nấp có đường kính khoảng 40cm nên phần vải 2 ống quần và tay áo của ông lộ ra ngoài bị địch bắn rách tơi tả.

Cựu binh Nguyễn Duy Dung (đeo cà vạt đỏ) gặp gỡ đồng đội, người dân Đà Lạt (Ảnh: Nhật Quỳnh).
"Lúc đó, chiến địa chỉ còn 2 lính đối phương bám trụ, không ngừng xả đạn. Để đổi vị trí tiến công, tôi ra hiệu cho đồng đội phía sau bắn yểm trợ. Khi anh Lưu Hồng Hải (quê Bắc Giang) tiến lên sát gốc thông tôi đứng bị địch bắn trúng, hy sinh tại chỗ. Nhìn đồng đội ngã dưới chân mình, tôi bật khỏi vị trí, cùng những người còn lại xung phong, tiêu diệt địch", cựu lính đặc công Nguyễn Duy Dũng chùng giọng, kể.
Trận đánh năm đó, ông Dũng cùng đồng đội tiêu diệt 40 lính đối phương, bắn rơi một trực thăng, thu nhiều súng, đạn. Riêng ông Dũng được tặng thưởng Huân chương Chiến công, Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.
Nên duyên nơi phố núi
Ở vùng căn cứ Đà Lạt - Tuyên Đức, từ năm 1970 đến 1975, ông Nguyễn Duy Dũng cùng đồng đội tham gia hàng chục trận đánh lớn, nhỏ. Trong những năm tháng chiến đấu ở xứ sở sương mù, người lính đặc công bén duyên cùng cô gái Đà Lạt.
Ngày 3/4/1975, Đà Lạt - Tuyên Đức chính thức được giải phóng. Ông Dũng ở lại phố núi, kết hôn, xây dựng cuộc sống mới.
Năm 1977, ông chuyển công tác từ Thị đội Đà Lạt (nay là Ban Chỉ huy Quân sự Đà Lạt) sang làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng.
Vừa qua, ông Nguyễn Duy Dũng đã vận động người dân và cùng các cựu binh, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng xây dựng nhà bia trên đồi thông thuộc phường 11, Đà Lạt để tưởng niệm 200 liệt sĩ hy sinh trong các trận đánh hướng Đông Bắc Đà Lạt.