1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đắk Lắk:

Trạm kiểm tra tải trọng xin dừng hoạt động do… không có người làm việc

Thúy Diễm

(Dân trí) - Không có người làm việc để duy trì hoạt động 24/24 tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 53, Sở GTVT Đắk Lắk đã đề xuất cho dừng hoạt động của trạm.

Sở GTVT Đắk Lắk đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Đắk Lắk về tình hình hoạt động của Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 53 (gọi tắt là trạm) và đề xuất chấm dứt hợp đồng lao động, dừng hoạt động của trạm này.

Trạm kiểm tra tải trọng xin dừng hoạt động do… không có người làm việc - 1

Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động số 53 hoạt động không hiệu quả do thiếu người làm

Theo đó, vào năm 2014, trạm chính thức đi vào hoạt động với sự phối hợp của các lực lượng chức năng. Trạm có 29 người làm việc, phân bổ thời gian hoạt động 24/24 (ngày chia 3 ca). Tính đến tháng 9/2016, giảm trên 92% số lượng xe vi phạm về tải trọng so với thời điểm chưa có trạm.

Theo Sở GTVT, từ tháng 9/2016 đến 6/2020, trạm không còn sự phối hợp của các lực lượng nên số lượng người làm việc chỉ còn 6 nhân viên hợp đồng và 3 Thanh tra nhưng vẫn phải duy trì hoạt động 24/24 kể cả ngày nghỉ và lễ, tết. Do thiếu nhân lực nên trạm không thể hoạt động liên tục dẫn đến hiệu quả không cao.

Bên cạnh đó, còn một số hạn chế như: Các thiết bị thường xuyên bị hư hỏng như: Bàn cân, bảng điện tử, hệ thống mắt thần, camera biển số, camera toàn cảnh, các dây cáp truyền dữ liệu... Thẩm quyền dừng phương tiện của Thanh tra giao thông rất hạn chế “chỉ được dừng phương tiện khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm”.

Với những khó khăn trên Sở GTVT Đắk Lắk đã xin dừng hoạt động của trạm vì không có người làm việc, Thanh tra giao thông sẽ tập trung xử lý xe quá tải trọng bằng cân xách tay và xử lý xe quá khổ.

Trước báo cáo của Sở GTVT, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng vừa có Công văn gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin ý kiến về việc duy trì hay chấm dứt hoạt động của trạm.

Trong trường hợp chấm dứt hoạt động của trạm, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị có hướng dẫn xử lý các tài sản đã bố trí cho trạm.

Còn nếu tiếp tục duy trì hoạt động của trạm, đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT có văn bản hướng dẫn xác định địa vị pháp lý của trạm (là đơn vị sự nghiệp hay đơn vị hành chính) và địa vị pháp lý của nhân sự làm việc tại đây.

UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng tại Công văn số 2565/VPCP-TCCV ngày 15/4/2015, Văn phòng Chính phủ hướng dẫn UBND tỉnh tự bố trí, sắp xếp lực lượng quản lý, điều hành trạm; tỉnh Đắk Lắk đã đồng ý chủ trương để Sở GTVT ký kết 6 hợp đồng lao động tại trạm. Tuy nhiên, Thông báo kết luận Thanh tra Bộ Nội vụ ngày 11/6/2020 đã yêu cầu chấm dứt hợp đồng lao động đối với 6 người này.

 “Đề nghị hướng dẫn việc Sở GTVT có được tiếp tục ký hợp đồng lao động để thực hiện các nhiệm vụ tại trạm hay không? Trong trường hợp không được tiếp tục ký hợp đồng, đề hướng xử lý đối với 6 trường hợp lao động nêu trên. Đồng thời, hướng dẫn về việc bố trí nguồn nhân lực để duy trì thực hiện các nhiệm vụ tại trạm”, công văn nêu rõ.