1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM: Xuất hiện dư chấn do động đất từ nước ngoài?

Lúc 8h45 ngày 17/10, tòa nhà cao ốc văn phòng (7 tầng) số 170 đường Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM bất ngờ lung lay và rung chuyển mạnh. Lập tức hơn 120 nhân viên của nhiều công ty thuê văn phòng bên trong tòa nhà được lệnh của Ban quản lý tòa nhà di tản ra ngoài để đảm bảo an toàn.

Sau đó, đại diện Sở Xây dựng TPHCM có đến kiểm tra nhưng chưa phát hiện ra vết nứt hay sự cố gì nghiêm trọng ảnh hưởng đến độ an toàn của tòa nhà. Đến 14h cùng ngày, Ban quản lý tòa nhà đã cho các nhân viên vào làm việc trở lại. Hiện các cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức gì về vấn đề này.

 

Một nguồn tin từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết: liên tiếp trong hai ngày 16 và 17/10, một số người dân ở quận 1 và quận 3 có gọi điện đến Đài để thắc mắc về hiện tượng rung chuyển tại khu vực nhà của họ.

 

Viện Vật lý địa cầu cho biết đã ghi nhận một trận động đất rất nhỏ đã xảy ra tại Tp. Hồ Chí Minh vào ngày 17/10. Động đất chỉ làm rung một số nhà và rất ít người có thể cảm nhận được. Ông Lê Tử Sơn, Trưởng phòng quan trắc động đất, cho biết trạm quan trắc tại Nha Trang và Đà Lạt đã ghi nhận được trận động đất này.

 

Theo thạc sĩ Đỗ Văn Lĩnh, chuyên gia nghiên cứu về động đất thuộc Đoàn Địa chất 1 (Liên đoàn Bản đồ địa chất Việt Nam), hiện đã có hiện tượng chấn động nhẹ và lan tỏa rộng trong khoảng thời gian 5 – 10 giây tại khu vực TPHCM trong hai ngày qua.

 

Những người ở các tòa nhà, chung cư cao tầng trên địa bàn quận 1, quận 3 dễ cảm nhận hiện tượng rung chuyển nhẹ này nhất. Có thể đây là dư chấn của một trận động đất ở cường độ mạnh từ nước ngoài.

 

PGS Nguyễn Ngọc Thủy, Giám đốc Viện Vật lý Địa cầu khẳng định: người dân không nên hoang mang trước hiện tượng này vì động đất là hoạt động bình thường ở vỏ Trái đất. Ngoài ra, lãnh thổ miền Nam ít có động đất và động đất không mạnh.

 

Hiện nay, đề tài nghiên cứu động đất tại TPHCM đang được Liên đoàn bản đồ Địa chất miền Nam tiến hành. Đây là một vấn đề vừa hay lại vừa khó, đặc biệt là vấn đề kinh phí. Các nhà chuyên môn cần phải có các trạm quan trắc cung cấp các số liệu đo liên tục.

 

Tuy vậy, từ Đà Lạt trở vào Cà Mau vẫn chưa có trạm quan trắc nào. Có khả năng vào cuối năm nay Nhật Bản sẽ tài trợ để thiết lập 12 trạm quan trắc tại miền Nam, đủ cho vùng này. Hiện Viện Vật lý Địa cầu đang làm dự án.

 

Theo VietNamnet