Chuyên gia:
TPHCM vẫn phải "lòng vòng" theo quy trình dù có cơ chế đặc thù
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, những thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM chưa thật sự hiệu quả. Một trong những nguyên nhân chính là dù có Nghị quyết 54 nhưng quy trình thực hiện còn "lòng vòng".
Sáng 14/12, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ tổ chức hội thảo Phát huy giá trị truyền thống trong tiến trình xây dựng chính quyền đô thị tại TPHCM. Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực nhằm tìm ra giải pháp bảo tồn, gìn giữ và phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa - xã hội vốn có của TPHCM trong giai đoạn mới.
Trình bày quan điểm tại sự kiện, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Hội Quy hoạch phát triển TPHCM, đã đưa ra sự liên quan giữa mô hình chính quyền đô thị và những hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Vị chuyên gia nhìn nhận, điểm khó nhất của việc tổ chức chính quyền đô thị, cũng như thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù tại TPHCM chính là vấn đề phân quyền.
Đặc thù nhưng vẫn "lòng vòng"
Ông Nguyễn Minh Hòa nhìn nhận, vấn đề phân quyền trong tổ chức chính quyền đô thị là một trong những chủ đề "rộng và khó". Việc này mới được đặt vấn đề và bàn luận nhiều thời gian gần đây.
Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM là một trong những ví dụ cụ thể nhất cho vấn đề phân cấp, ủy quyền được áp dụng ở nước ta. Nghị quyết này đã mở ra cho thành phố quyền tự quyết trong các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư, phí, lệ phí, tài chính và thu nhập tăng thêm.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa đánh giá, kể từ khi có hiệu lực, Nghị quyết này mang lại kết quả rất thấp, chưa tương xứng với kỳ vọng. Lý do chính là dù đã có cơ chế, chính sách đặc thù nhưng quy trình ra quyết định vẫn không thay đổi.
"Ví dụ như việc dù có Nghị quyết 54, TPHCM muốn thu phí cảng biển, thu phí xe hơi vào khu vực trung tâm thì phải lập đề án trình nhiều bộ, ngành liên quan. Chỉ cần một bộ không đồng ý thì sẽ bị bác, hoặc đi lòng vòng cả năm mới đến đích", ông Nguyễn Minh Hòa dẫn chứng.
Chuyên gia của Hội Quy hoạch phát triển TPHCM cho rằng, chính sự lòng vòng này đã dẫn đến mất cơ hội, chậm tiến độ, phát sinh thêm những hệ quả không lường được ở nhiều dự án.
Giải pháp được ông Nguyễn Minh Hòa đưa ra là TPHCM cũng như các địa phương tuân thủ quy chế vận hành của các cơ quan quản lý, nhưng cần thay đổi mặt kỹ thuật trong khâu thực hiện. Cụ thể, thành phố có thể nghiên cứu về hình thức tổ chức không gian hành chính, khai báo hải quan, dịch vụ công...
Cách tiếp cận tiếp theo để tạo sự chủ động là các bộ, ngành Trung ương chỉ làm công việc quản lý Nhà nước, tức là xây dựng văn bản dưới luật, đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy trình, giám sát thực hiện. Công tác quản lý cấp địa phương sẽ do chính các địa phương chịu trách nhiệm và chủ động thực hiện.
Cần xác định giá trị riêng biệt
PGS.TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn hóa TPHCM, cho rằng, việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị hay chính quyền nông thôn đều cần dựa trên những nền tảng văn hóa vốn có. Đối với TPHCM, văn hóa của địa phương có nhiều điểm chung so với cả nước, nhưng cũng có nhiều giá trị riêng biệt do đặc trưng lịch sử qua nhiều giai đoạn thăng trầm.
"TPHCM đã gần 325 tuổi, người dân địa phương hiện tại đã di cư từ nhiều vùng khác, cùng người Hoa và người dân tộc thiểu số khác. Họ tôn trọng văn hóa của nhau và luôn học hỏi, tạo nên đặc trưng văn hóa của con người Nam Bộ", PGS.TS Lâm Nhân phân tích.
Chuyên gia của Đại học Văn hóa TPHCM dẫn chứng, khi nhắc đến tính cách người Nam bộ, người ta thường nói đến đặc trưng trọng nghĩa, khinh tài, phóng khoáng, bộc trực, năng động, sáng tạo… Đó là những nền tảng để duy trì phong cách con người Sài Gòn xưa và xây dựng TPHCM hiện nay.
Trong bối cảnh xây dựng chính quyền đô thị, TPHCM cần xác định lại các chuẩn mực cá nhân con người nơi đây, dựa trên cơ sở những giá trị truyền thống và các giá trị mới.
Ông Lâm Nhân phân tích, TPHCM có 52/54 dân tộc anh em sinh sống. Trong suốt quá trình lịch sử, tinh thần tôn trọng, hòa đồng, hợp tác được thể hiện rõ trong thời điểm đất nước đối mặt với thiên tai, dịch bệnh. Nhưng trong cuộc sống bình thường, tinh thần ấy có phần yếu đi.
"Cần xác định các giá trị tôn trọng - hòa đồng - đoàn kết - hợp tác vào giá trị chung của TPHCM và cả khu vực trong quá trình xây dựng chính quyền đô thị. Đây là các giá trị, chuẩn mực chung thành phố cần tạo thành chuẩn mực trong bối cảnh hiện nay", ông Lâm Nhân góp ý.
Một vấn đề khác được ông Lâm Nhân nhắc tới là mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM cần định hình các giá trị văn hóa đặc trưng cho cả khu vực nội thành và ngoại thành. Cụ thể, khu vực trung tâm thành phố như quận 1, quận 3, các giá trị, đặc điểm văn hóa đã được hình thành rõ nét và ít thay đổi, tuy nhiên, các khu vực ngoại thành như huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, TP Thủ Đức, các giá trị đặc trưng của TPHCM gần như chưa được thể hiện rõ.