1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Prapiroon
  3. Gỡ khó về thuế, tài chính cho báo chí

TPHCM trước “miệng thủy thần”

(Dân trí) - Mấy ngày qua, 2 vụ sạt lở lớn xảy ra tại TPHCM đều không thuộc khu vực 36 điểm cảnh báo sạt lở do Sở GTCC TPHCM công bố. Điều đó cho thấy: nguy cơ người dân sống ven sông bị “thủy thần” đe dọa cao hơn dự báo rất nhiều.

Đầu mùa mưa, 5 vụ sạt lở

 

Tính đến nay, TPHCM chỉ mới qua 1 tháng đầu mùa mưa, vậy mà đã xảy ra 5 vụ sạt lở bờ sông. Trong tháng 5 liên tiếp xảy ra 3 vụ, đều ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, cuốn trôi hàng trăm mét đất ven bờ kênh Rạch Giồng. Tuy nhiên, 3 vụ này không nghiêm trọng lắm và ít có thiệt hại về người và tài sản. Ngay sau đó, liên tiếp trong 3 ngày đầu tháng 6 đã xảy ra 2 vụ sạt lở lớn làm thiệt hại hàng tỉ đồng.

 

Vụ đầu tiên xảy ra lúc 1 giờ 10 phút sáng ngày 5/6, tại Km32+600 sông Sài Gòn thuộc khu phố 3, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức với diện tích sạt lở hơn 3.000m2 (chiều dài dọc bờ sông 80m, sâu vào bờ khoảng 40m). Vụ này là vụ nghiêm trọng đầu tiên trong năm nay, nuốt chửng 1 căn nhà thờ, 1 nhà bếp và làm bị thương 4 người.

 

Tiếp đó, 0 giờ 40 phút ngày 7/6, tại khu Rạch Giồng thuộc ấp 3, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè lại xảy ra sạt lở làm 4 căn nhà rơi tỏm xuống sông, 1 phần của căn nhà khác cũng bị “thủy thần” nuốt mất. Ước tính thiệt hại vật chất ban đầu là khoảng 370 triệu đồng. Đó là chưa kể đến 80m bờ kè bị trôi sông, công trình này đang được xây dựng với giá trị thầu là 1,6 tỷ đồng. Vị chi tất cả là gần 2 tỷ đồng thiệt hại.

 

Điều đáng nói là vị trí xảy ra vụ sạt lở ngày 5/6 không hề có trong bản đồ cảnh báo sạt lở. Còn vị trí sạt lở xảy ra trong ngày 7/6 thì lại là vị trí đã có bờ kè kiên cố.

 

Khó giải quyết nguy cơ

 

Theo sở GTCC TPHCM thì toàn TP có 36 vị trí có nguy cơ sạt lở cao. Nhưng thực ra là còn thêm khoảng hơn 80 vị trí cũng có khả năng sạt lở nữa. Ngoài ra, nhiều vị trí không nằm trong bản đồ cảnh báo và cả đoạn sông có bờ kè cũng có thể xảy ra sạt lở. Rõ ràng nguy cơ rơi vào miệng “thủy thần” của bà con sống ven sông là rất lớn.

 

Theo khu Đường sông, ngoài những nguyên nhân chủ quan như nước thải sinh hoạt của người dân sống ven bờ ứ đọng làm giảm độ kết dính của đất, hay nhà thầu chưa lường hết diễn biến phức tạp của dòng chảy để có biện pháp thiết kế, thi công bờ kè thích hợp… còn có các nguyên nhân khách quan như chân triều rút quá sâu (mực nước thực đo tại trạm Nhà Bè vào lúc 1h ngày 7/6 là -2,45m), diễn biến bất lợi của dòng chảy…

 

Đặc biệt là thời gian gần đây, mức chênh lệch giữa chân triều và đỉnh triều trên sông Sài Gòn ngày càng cao, lượng mưa vẫn ở mức cao… càng làm tăng nguy cơ vỡ bờ bao khi triều cường, sạt lở khi triều rút sâu.

 

Ngoài ra, tình trạng lấn chiếm khu vực hàng lang bảo vệ an toàn bờ sông, xây dựng nhà cửa làm tăng tải trọng trên khu an toàn cũng là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên sạt lở khi triều rút sâu. Việc xây dựng lấn sông, làm thay đổi dòng chảy, tạo dòng nước xoáy vào bờ cũng là một yếu tố gây sạt lở.

 

Ngay cả những khu vực đã có cảnh báo nguy cơ sạt lở, đã xảy ra sạt lở và phải xây dựng bờ kè bảo vệ nhưng người dân vẫn cố tình không chịu di dời, lại bất chấp nguy hiểm kiên cố hóa nhà cửa làm tăng nguy cơ sạt lở.

 

Ông Phan Hoàng Trí - Phó giám đốc khu Đường sông - cho biết: “Nếu bờ kè đã xây dựng mà người dân đến lấn chiếm thì chúng tôi dễ dàng cưỡng chế, buộc di dời để bảo vệ an toàn bờ sông. Tuy nhiên, có nhiều đoạn bờ sông có nguy cơ sạt lở, nhưng người dân đã ở lâu đời rồi, mình vận động người ta di dời rất khó vì giá bồi thường thấp”. Cũng vì giá bồi thường thấp, nhà nghèo nên bà con quyết định ở liều.

 

Tùng Nguyên