TPHCM trong bài toán tăng trưởng hai con số năm 2025
(Dân trí) - Các chuyên gia đánh giá chất lượng nguồn nhân lực và quyết tâm thực thi chính sách là những điều kiện để TPHCM và Đông Nam Bộ đạt đột phá trong tăng trưởng kinh tế.
Bước sang năm 2025, năm cuối cùng của chu kỳ kinh tế 2021-2025, các chuyên gia nhìn lại số liệu thống kê và lo ngại Việt Nam không thể tăng trưởng như mục tiêu đề ra.
Trong Hội thảo "Đông Nam Bộ với giải pháp đột phá cho tăng trưởng hai con số" tổ chức chiều 14/1, các nhà khoa học từ Đại học Ngân hàng TPHCM, Đại học Kinh tế TPHCM, Viện nghiên cứu phát triển TPHCM và Đại học Fulbright Việt Nam cùng đi tìm câu trả lời cho bài toán tăng trưởng đột phá.
Giấc mơ tăng trưởng 2 con số
Tháng 7/2021, giữa lúc dịch Covid-19 hoành hành, Quốc hội đã thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm giai đoạn 2021-2025.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu Đại học Ngân hàng TPHCM, đến hết năm 2024, tăng trưởng GDP giai đoạn 2021-2024 mới đạt bình quân 6,05%, trong đó mức tăng trưởng của riêng năm 2024 là 7,09%.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7% trong 5 năm 2021-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025 cần đạt từ 8% hoặc thậm chí phải tăng trưởng hai con số (10% trở lên) nếu muốn bình quân 5 năm đạt 7%.
Như vậy, Việt Nam cần một mức tăng trưởng đột phá ở năm 2025. Đây là thách thức lớn cho nền kinh tế.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TPHCM, các tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB... dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2025 sẽ chỉ quanh mức 6,1-6,7%.
"Với mục tiêu tăng trưởng từ 8%, bắt buộc ngân sách phải bung nhiều hơn, bội chi nhiều hơn, đồng thời phải hút tiền từ nước ngoài về và tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ", PGS.TS Nguyễn Đức Trung nhận định.
Đề cập đến viễn cảnh tăng trưởng hai con số, TS Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam) cho rằng trên thế giới chỉ có Trung Quốc là nước duy nhất đạt được tăng trưởng hai con số và duy trì nó trong hàng chục năm.
Một ví dụ gần gũi hơn với TPHCM là Thượng Hải - siêu đô thị của Trung Quốc - với 18 năm liền giữ mức tăng trưởng hai con số. Thập niên 90 thế kỷ trước, Thượng Hải chớp được thời cơ chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, mở ra một thời kỳ các tập đoàn sản xuất lớn ở nước ngoài đều tìm đến thành phố này.
"Cũng trong thập niên 90, Thượng Hải xây dựng trung tâm tài chính Phố Đông. Đó là mô hình thành phố trong thành phố", TS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ, ngụ ý những bước phát triển của TPHCM hiện nay đang giống Thượng Hải trước đây.
Thành công của Thượng Hải còn được thể hiện qua việc đầu tư bất động sản nhưng xác định rõ nhu cầu, không để dư thừa; phát triển dịch vụ tài chính quốc tế, trở thành cửa ngõ của dòng tiền.
Nhìn lại bài học của Thượng Hải, TS Thành cho rằng chiến lược phát triển và thu hút nguồn nhân lực là một yếu tố thành công. "Nguồn nhân lực giúp họ phát triển xuyên suốt, không mất động lực. Phát triển nguồn nhân lực là công việc không bao giờ được từ bỏ", ông chia sẻ.
Tinh thần đột phá trong kỷ nguyên mới
GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế TPHCM, ví von việc Việt Nam kẹt trong bẫy thu nhập trung bình giống như đội tuyển quốc gia vô địch AFF Cup.
"Tất cả mọi người đều hò hét khi bóng lăn vào khung thành của Thái Lan. Nhiều người vui không ngủ được. Tôi cũng vui. Nhưng đó chỉ là giải khu vực. Chúng ta từng vô địch rồi", GS Bảo nói.
Theo ông, bóng đá Việt Nam cũng có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu không đặt mục tiêu cao. Kỷ nguyên mới phải là kỷ nguyên cờ Việt Nam tung bay trên đấu trường World Cup hoặc chí ít là châu Á.
"Theo quan điểm của tôi, tăng trưởng hai con số là tăng trưởng đột phá để đạt được một tốc độ tăng trưởng mà Việt Nam chưa bao giờ làm được", GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo chia sẻ.
Ông Bảo cũng thể hiện sự tâm đắc với cách làm của lãnh đạo Đảng trong việc tinh giản, tinh gọn bộ máy, tập trung nguồn lực để phát triển.
"Nó thúc ép mọi người dám chạm vào những khó khăn nhất, nhạy cảm nhất để coi sức của tất cả cơ quan, tổ chức chúng ta tới đâu. Như thể có nghĩa là nếu ta không làm được, ta sẽ bị cách chức", lãnh đạo Đại học Kinh tế TPHCM chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm của GS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, cho rằng khái niệm "tăng trưởng hai con số" giống như việc đặt ra một giới hạn mới để vượt qua.
Phân tích hoàn cảnh thực tế, mục tiêu này đang xa vời. TPHCM và Đông Nam Bộ đã từ rất lâu rồi chưa tăng trưởng được 10%. Tốc độ tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ thậm chí đang giảm dần.
"Những giải pháp truyền thống chúng ta đã nêu rất rõ rồi. Nhưng vấn đề là thực thi, thực thi và thực thi. Khâu thực thi có vấn đề rất lớn, không chỉ ở Đông Nam Bộ mà cả nước. Giải bài toán thực thi trong bối cảnh 7-8% còn khó khăn chứ chưa nói đến 10%", TS Trương Minh Huy Vũ khẳng định.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã nêu ra 5 điểm nghẽn tăng trưởng của Đông Nam Bộ, đó là điểm nghẽn về hạ tầng, về đầu tư, về cơ chế liên kết vùng, về năng suất và chất lượng lao động.
Năm 2025, TPHCM sẽ triển khai các dự án đầu tư công với tổng vốn khoảng 84.000 đồng. Cộng với 20.000 tỷ từ năm 2024 chuyển sang, thành phố phải giải ngân 100.000 tỷ đồng. Trong đó, cần đẩy mạnh giải ngân ngay trong quý I, quý II của năm 2025.