1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Chuyên gia hiến kế để TPHCM tăng trưởng 2 con số

Thư Trần

(Dân trí) - TPHCM cần xây dựng những nền tảng quan trọng như tháo gỡ khó khăn ở các dự án bất động sản, đẩy mạnh hạ tầng số để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Năm 2025, TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên 10%, đồng thời hoàn thành và vượt 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Để đạt mục tiêu này, TPHCM phải xây dựng những nền tảng quan trọng như tháo gỡ khó khăn ở các dự án hạ tầng, phát triển đồng loạt hệ thống metro, trình Vành đai 4 trong năm nay và khép kín Vành đai 2, hoàn thiện các tuyến đường mở ra liên kết vùng. Quan trọng là đầu tư hạ tầng số, thực thi đổi mới sáng tạo.

Đó là những điểm mấu chốt được TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, tóm tắt sau buổi tọa đàm Giải pháp để TPHCM tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2025-2030, diễn ra vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới.

Ông Trương Minh Huy Vũ cho biết, từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của TPHCM chưa bao giờ đạt 2 con số. Trong khi giai đoạn 2006-2010, chỉ số tăng trưởng của TPHCM vượt mục tiêu này. 

Do đó, để đạt được kỳ vọng tăng trưởng trên 10% vào từ năm 2025, TPHCM cần những cách làm đột phá. 

Chuyên gia hiến kế để TPHCM tăng trưởng 2 con số - 1

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, phát biểu tại tọa đàm chiều 2/1 (Ảnh: Thư Trần).

TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng, để thúc đẩy, tạo ra nền móng và sự phát triển kinh tế TPHCM, hoạt động tài chính ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm phải được khơi thông.

Từ sự thay đổi lớn về cơ cấu Nhà nước, TS Tú Anh cho biết các nhà đầu tư đều nhìn về điều này với sự tích cực, dự báo làn sóng đầu tư ở tương lai gần đổ về. 

"Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh rằng TPHCM phải giải quyết được vướng mắc về bất động sản mới có thể giải quyết dòng vốn đầu tư công và các hoạt động khác. Vướng mắc này càng lớn sẽ dẫn đến nghẽn về nguồn cung, trở thành rào cản trong môi trường đầu tư", TS Nguyễn Tú Anh nói. 

TS Phạm Văn Đại, trường Đại học Fulbright cũng nhấn mạnh, yếu tố quan trọng nhất để TPHCM tiếp cận mức tăng trưởng hai con số là thực thi. Theo ông Phạm Văn Đại, hiện TPHCM có trên 300 dự án tồn đọng cần giải quyết.

Về cách làm, chuyên gia cho rằng, TPHCM cần tập trung vào tổ chức quản trị các dự án công, điều này các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể trợ giúp TP. Ông lấy ví dụ ở Thẩm Quyến (Trung Quốc) cũng từng khởi đầu từ con số 0 vào năm 1972. 

"Thế nhưng, để thu hút hợp tác, các nhà đầu tư lớn cần TPHCM cho họ thấy tầm nhìn, câu chuyện chúng ta có thể kể và sự cam kết", TS Phạm Văn Đại nói. 

Chuyên gia hiến kế để TPHCM tăng trưởng 2 con số - 2

TS Phạm Văn Đại, trường Đại học Fulbright, góp ý tại tọa đàm (Ảnh: Thư Trần).

Có quan điểm tương đồng, TS Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, mục tiêu tăng trưởng 2 con số của TP năm nay là thách thức lớn.

"Khả năng từ mức 7,17 tăng lên 10% khá khó khăn, có thể nói là khó đạt", TS Đặng Đức Anh nêu quan điểm. 

Theo TS Đặng Đức Anh, việc TPHCM cần tập trung là rà soát lại các vướng mắc, đặc biệt là dự án bất động sản để tháo gỡ, đưa vào triển khai ngay. 

"Cần có sự tháo gỡ quyết liệt của UBND TPHCM", ông Đặng Đức Anh nói và cho rằng TP còn phải song song thực hiện các giải pháp tạo tiền đề 2026-2030 để chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiệu quả hơn. 

Chuyên gia hiến kế để TPHCM tăng trưởng 2 con số - 3

Việc phát triển, hoàn thành hệ thống metro, Vành đai 4, các dự án cao tốc liên kết vùng là nền tảng để TPHCM bứt phá trong giai đoạn 2025-2030 (Ảnh: Nam Anh).

TS Đặng Đức Anh cho rằng, đầu tư của TPHCM phải gắn với tăng năng suất, hiệu quả kinh tế, như xây dựng trung tâm tài chính quốc tế; hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị, triển khai Vành đai 4; triển khai xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo, các lĩnh vực đang được đẩy mạnh như bán dẫn, điện tử, năng lượng mới…

Ngoài ra, TPHCM cần có các giải pháp chuyên đề giải quyết các tồn đọng như đất đai, các dự án đang vướng mắc 10-20 năm.