1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM: “Treo” 4 cây cầu trên đường Rừng Sác

(Dân trí) - Để tiến nhanh ra hướng biển, TPHCM đã mở rộng, nâng cấp tuyến đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ), theo đó 7 cầu mới sẽ được xây dựng và dự kiến hoàn tất trong năm 2006 nhưng đến nay vẫn còn 4 cầu chưa xong.

4 cây cầu chưa xây xong là: An Nghĩa, Hà Thanh, Rạch Lá và Lôi Giang. Trong đó, cầu An Nghĩa chỉ mới đang làm phần móng.

Các cây cầu này đều khởi công từ cuối năm 2004 và dự kiến chậm nhất là đầu 2006 phải xong. Nhưng theo công ty quản lý công trình cầu phà TP (chủ đầu tư dự án) thì phải đến cuối năm 2008 mới mong xong được.

Tổng vốn đầu tư cho dự án xây dựng cầu đường Rừng Sác là trên 500 tỷ đồng; trong đó, 7 cây cầu trị giá 230 tỷ đồng. 4 cây cầu chưa hoàn tất có giá trị xây lắp là 143 tỷ. Hiện nay, UBNDTP đang xem xét đầu tư xây dựng cầu Bình Khánh (ước trên 3.000 tỷ đồng) để nối tuyến đường này với trung tâm TP.

Giải thích cho sự chậm trễ này, ông Trịnh Văn Khâm - Trưởng ban Quản lý dự án (công ty Quản lý cầu phà TP), cho là có nhiều nguyên nhân, như: giá vật tư tăng cao, giải phóng mặt bằng chậm, địa chất yếu, gặp nhiều sự cố trong quá trình thi công…

Trong đó, quan trọng nhất là vấn đề giá vật tư lên quá nhanh (giá thép hiện nay tăng gấp 2 lần). Các nhà thầu đều than là vốn giải ngân không đủ để mua vật liệu tiếp tục xây dựng.

Để giải quyết vấn đề này, chủ đầu tư đã có văn bản gửi đơn vị quản lý là Sở Giao thông Công chính, xin kiến nghị lên UBND TP cho bù giá vật tư, đảm bảo công trình được thi công nhanh chóng hơn.

Theo hợp đồng, các cây cầu này phải được xây xong trong thời gian từ 1,5 - 2 năm nhưng với dự kiến này thì cây xong nhanh nhất cũng mất 4 năm. Đó cũng chỉ là dự kiến. Nếu các khó khăn trên không được tháo gỡ kịp thời, có khả năng thời gian thi công còn kéo dài hơn nữa.

Công ty Xây dựng công trình giao thông 68 (thuộc Bộ Xây dựng) - nhà thầu công trình cầu An Nghĩa, còn có ý định chỉ thi công phần móng cầu, phần thân cầu sẽ bỏ, chấp nhận chịu phạt hợp đồng nếu không được bù giá. Vì theo công ty, theo thời giá hiện tại thì càng làm càng lỗ.

Nhưng theo một số nhận định khác thì lỗ là do phía nhà thầu yếu kém năng lực tài chính, nợ đọng ngân hàng quá nhiều. Tiền trả cho nhà thầu đều được chủ đầu tư thanh toán theo đúng tiến độ thi công. Nhưng khi về đến ngân hàng thì đều bị ngân hàng khấu trừ nợ cũ. Do vậy nhà thầu không còn tiền để mua vật tư để tiếp tục thi công, trả lương nhân công và dự án chậm tiến độ.

Tùng Nguyên