TPHCM “trễ hẹn” nhiều chỉ tiêu môi trường
(Dân trí) - Ước đến hết năm 2015, chỉ có 10/20 khu dân cư có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường (tỷ lệ 50%). Trong khi đó, các nhà máy chỉ xử lý được khoảng 13% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của UBND TP về Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 – 2015, hiện nay trên địa bàn thành phố có 42 dự án khu dân cư cáo diện tích từ 20ha trở lên, trong đó có 20 dự án đã đi vào hoạt động. Ước đến hết năm 2015, thành phố có 10/20 dự án có xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung (tỷ lệ 50%).
Hiện TPHCM có trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa công suất 30.000m3/ngày đêm (được đưa vào vận hành từ tháng 12/2005), xử lý nước thải thuộc lưu vực kênh Tân Hóa – Lò Gốm rộng 785ha, nước thải sinh hoạt phát sinh của 120.000 người dân trong khu vực.
Trong khi đó, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng với công suất 141.000m3/ngày đêm (mới hoàn thành giai đoạn 1), xử lý nước thải lưu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé, Kênh Đôi – Tẻ. Tổng công suất xử lý nước thải của các nhà máy hiện hữu là 171.000m3, xử lý được khoảng 13% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị trên địa bàn thành phố.
Như vậy, mục tiêu hết năm 2015 sẽ có 90% khu đô thị mới, 50% khu đô thị hiện hữu có hệ thống xử lý nước thải tập trung đều không đạt được.
Theo UBND TP, một trong nguyên nhân khiến kế hoạch triển khai không theo kịp mục tiêu đề ra là nguồn vốn đầu tư quá lớn, cần phải thu hút nhiều nguồn vốn khác nhau mà tập trung là nguồn vốn tài trợ quốc tế.
Theo đó, việc nâng công suất Nhà máy Bình Hưng (giai đoạn 2) và đầu tư Nhà máy xử lý nước thải tập trung Thạnh Mỹ Lợi (giai đoạn 1) đến năm 2015 chắc chắc chắn không hoàn thành, dự kiến hoàn thành vào năm 2019.
Bên cạnh đó, một mục tiêu khác của thành phố là giảm thiểu 80% mức độ ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nội thành; 60% mức độ ô nhiễm khu vực ngoại thành. Theo đó, khu vực nội thành đánh giá diễn biến chất lượng nước của 6 hệ thống chính là các kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tân Hóa – Lò Gốm, Tàu Hũ – Bến Nghé, Kênh Đôi – Tẻ; Tham Lương – Vàm Thuật. Khu vực ngoại thành tập trung vào diễn biến chất lượng nước của sông Sài Gòn, Đồng Nai; kênh tiêu Ba Bò, kênh Thầy Cai và Sông Cần Giuộc.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND TP, ước đến hết năm 2015 chỉ đạt được chỉ tiêu chất lượng nguồn nước khu vực ngoại thành đạt quy chuẩn môi trường, còn chỉ tiêu giảm 80% mức độ ô nhiễm nguồn nước tại khu vực nội thành không thể đạt được.
Ngoài ra, chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 – 2015 cũng không thể thực hiện được mục tiêu giảm thiểu 70% tiếng ồn do sản xuất và giảm thiểu 50% mức độ ô nhiễm không khí và tiếng ồn do hoạt động giao thông – vận tải.
Chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2011 – 2015, TPHCM đạt được một số mục tiêu như: 85% cơ sở sản xuất, dịch vụ, thương mại trên địa bàn thành phố có hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam về môi trường; 100% khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam.
Quốc Anh