1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM sẽ tích hợp 3 quận thành trung tâm đô thị sáng tạo

(Dân trí) - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết thành phố sẽ tích hợp quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành trung tâm đô thị sáng tạo của thành phố, làm hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nói về việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội

Nhân dịp năm mới Mậu Tuất 2018, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc trao đổi với báo chí về những thành tựu kinh tế, công tác quốc phòng, an ninh năm 2017 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2018 để phát triển thành phố bền vững.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm đô thị sáng tạo làm hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh việc xây dựng trung tâm đô thị sáng tạo làm hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Thưa Bí thư Thành ủy, năm 2017 được đánh giá là một năm thành công và đạt được nhiều thành tựu của TPHCM, vậy những thành tựu đó được thể hiện trong những lĩnh vực nào?

Ông Nguyễn Thiện Nhân: Năm 2017 là năm TPHCM đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp chung vào thành tựu của cả nước. Thành phố là trung tâm kinh tế lớn nhất, tiếp tục là đầu tàu kinh tế của đất nước. Năm 2016, tăng trưởng đạt 8,05%, đến năm 2017 tăng trưởng 8,25%, tỷ trọng đóng góp của thành phố với cả nước vẫn giữ vững gần 22%. Trong những năm qua, thu ngân sách tại thành phố đóng góp bình quân 27-28% ngân sách cả nước.

Năm 2017, chỉ tiêu giao khá nặng, hơn 347.000 tỷ đồng, tức là bình quân mỗi ngày không kể chủ nhật, cả thành phố có trách nhiệm đóng góp ngân sách chung cả nước 1.000 tỷ. Kết thúc năm, chúng ta đã đạt và vượt chỉ tiêu này, điều này rất có ý nghĩa cho phát triển cả nước và của TP.

Thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2017 đạt 6,3 tỷ USD, tăng hơn 85% so với năm 2016 (3,46 tỷ USD), đây là kết quả rất đáng khích lệ. Nhờ vậy tổng đầu tư nước ngoài của TP năm 2017 chiếm 18%, tăng 5% so với năm trước (năm 2016 chiếm 13%). Bên cạnh đó, các hoạt động văn hoá, xã hội tiếp tục được giữ vững và nâng cao chất lượng, đặc biệt là hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, hoạt động kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười được bạn bè quốc tế tham dự và đánh giá cao. Trật tự xã hội, an ninh quốc phòng được giữ vững…

Dưới góc độ quản lý thành phố, chúng ta tạo được những đổi mới và tạo điều kiện phát triển trong năm 2018 và những năm tiếp theo, trong đó có cơ chế tạo nguồn vốn cho thành phố để xử lý rác thải, kêu gọi đầu tư xã hội hóa giải quyết 20.000 căn nhà trên kênh rạch. Đáng chú ý là năm vừa qua chúng ta đã công bố đề án đô thị thông minh. Đề án đô thị thông minh thay đổi cách làm chứ không thêm tiền. Bằng đề án này thì chúng ta có nhiều khả năng quản lý tốt hơn, nâng cao tính dự báo, giảm bớt sự “giật mình” khi phát triển thành phố…

Liên quan đến thể chế, trong năm 2017, Thành uỷ đã ban hành quyết định 1374 về xử lý thông tin do nhân dân phản ánh. Nhân dân phản ánh những tập thể, cá nhân có biểu hiện vi phạm phẩm chất đạo đức, pháp luật, quy định của Đảng... thì phải có nơi tiếp thu và đó là chính quyền các cấp, mặt trận, các đại biểu Quốc hội và các cấp ủy. Bốn nguồn thông tin đó là thông tin từ báo chí; thông tin từ tiếp xúc cử tri; từ khiếu nại, tố cáo của người dân; thông tin từ hoạt động giám sát của mặt trận, HĐND. Lần đầu tiên chúng ta có một quy định về việc tiếp thu, xử lý ý kiến người dân qua nhiều kênh và nhiều nơi tiếp nhận.

Năm 2017, bên cạnh những thành tựu về kinh tế, quốc phòng, an ninh thì chúng ta có các nội dung hoàn thiện thể chế, cơ chế hoạt động của TP mà chúng tôi đánh giá là rất có ý nghĩa.

Từ những thành tựu đạt được trong năm 2017, thành phố sẽ đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp nào để phát triển thành phố trong năm 2018, thưa ông?

Chúng ta biết năm 2018 là năm bản lề đối với TPHCM và cả nước, đây là năm sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP, đặc biệt là triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017). Song song với việc rà soát đánh giá tiến độ thực hiện 7 chương trình đột phá của TP mà Đại hội Đảng bộ lần thứ X đã thông qua, thành phố đề xuất giải pháp phù hợp với cơ chế mới.

TP sẽ tập trung bổ sung một số giải pháp mới, đó là Nghị quyết 54 của Quốc hội; xây dựng đề án đô thị thông minh. Bên cạnh đó, song song với đẩy mạnh khởi nghiệp sáng tạo, chúng ta sẽ huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước để thiết kế một khu đô thị sáng tạo TPHCM tích hợp 3 quận. Trong đó, quận 9 với nổi bật là khu công nghệ cao, quận 2 với trung tâm tài chính sẽ hình thành, quận Thủ Đức với 12 trường đại học, trên 1.500 tiến sĩ là giảng viên và 70.000 sinh viên. Nơi đây sẽ thành trung tâm đô thị sáng tạo của thành phố, làm hạt nhân để thành phố triển khai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Gắn với đó là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng Đảng viên, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến trong nội bộ. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của nhân dân.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng năm 2018 là năm bản lề đối với kinh tế thành phố và cả nước
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng năm 2018 là năm bản lề đối với kinh tế thành phố và cả nước

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 được đánh giá là sự kiện tiêu biểu của TPHCM trong năm 2017. Như vậy, TPHCM sẽ tập trung triển khai Nghị quyết 54 như thế nào, thưa ông ?

Nghị quyết 54 của Quốc hội chính là nhằm thực hiện Kết luận 21 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố từ năm 2012 đến năm 2020. Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 54, trong vòng hơn 1 tháng, TPHCM đã thông qua toàn bộ các văn bản cần thiết để triển khai Nghị quyết. Trước hết, Ban Chấp hành Đảng bộ TP có Nghị quyết 08, sau đó HĐND TP đã có Nghị quyết 25 triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, trong đó xác định những việc phải làm và lộ trình thời gian sắp tới. Ngày 29/12, UBND TP đã công bố kế hoạch xác định 21 đề án triển khai thực hiện Nghị quyết 54.

Nghị quyết 54 có hiệu lực từ ngày 15/1. Trong năm 2018, TPHCM sẽ chuẩn bị thông qua một số nhóm giải pháp quan trọng. Trước hết, về vấn đề thực hiện uỷ quyền và phân cấp. Đây là cơ hội dành cho thành phố. Việc này không tốn tiền, phải làm sớm, dự kiến trong tháng 3 này có thể trình HĐND TP xem xét, thông qua. Thứ hai là xây dựng mô hình quản lý doanh nghiệp Nhà nước như thế nào? Tháng 4 thông qua đề án quản lý doanh nghiệp nhà nước. Tiếp đó, sắp xếp tên gọi một số đơn vị thuộc sở, ngành thành phố. Dự kiến, tháng 5 trình đề án điều chỉnh tên gọi các tổ chức trực thuộc sở ngành của TP.

Một vấn đề mà lãnh đạo và người dân TP quan tâm là sắp xếp lại ban quản lý của TP và quận huyện, thu hẹp một số ban và điều chỉnh tên phù hợp. Chúng ta đang chuẩn bị và có thể hoàn chỉnh đề án vào tháng 4.

Liên quan đến tài chính, Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép trên cơ sở tăng năng suất, hiệu quả của TP và tiết kiệm thì có thể tăng thu nhập cho cán bộ công chức, mức tăng tối đa không quá 1,8 lần. Tháng 3 sẽ trình đề án lên HĐND TP và có thể tăng thu nhập từ năm 2018.

Một nội dung mà người dân thành phố quan tâm là Nghị quyết 54 cho phép TP điều chỉnh bổ sung một số lệ phí. Dự kiến, tháng 3 này sẽ trình điều chỉnh một số mức phí như phí dừng ô tô dưới lòng, lề đường trong nội đô, qua đó điều tiết hành vi người tham gia giao thông. Hoặc như phí bảo vệ môi trường, nước thải công nghiệp, chúng ta sẽ chọn khung phí cho phù hợp.

Ngoài ra, Quốc hội cho phép thành phố huy động vay xã hội, phát hành trái phiếu địa phương. Dự kiến, tháng 9 năm nay sẽ đề xuất phương án vay bổ sung qua phát hành trái phiếu tạo động lực cho phát triển.

Tôi tin rằng TPHCM sẽ thấy được trách nhiệm trước Quốc hội và cả nước để phát huy cơ chế đặc thù để TP phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và qua đó đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

TPHCM đang thu hút các nhà đầu tư để cải tạo nhà ven và trên kênh rạch. Vậy TP sẽ vận dụng cơ chế, chính sách đặc thù như thế nào để các nhà đầu tư tham gia vào việc này?

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết thành phố đặt mục tiêu giải quyết 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch trong 5 năm

Mới đây, thành phố tổ chức hội nghị giới thiệu các dự án chỉnh trang kênh rạch để giải quyết 20.000 căn nhà trên kênh rạch trong vòng 5 năm. Trong đó, kêu gọi các nhà đầu tư xã hội hóa vấn đề này vì nếu dùng tiền Nhà nước thì rất lớn và điều đó không khả thi.

Trong các dự án cải tạo nhà trên kênh rạch để chỉnh trang đô thị thì thành phố chọn ra 6 dự án, trong đó có dự án rạch Xuyên Tâm rất lớn. Nguyên tắc thực hiện là người dân ở trên và ven kênh rạch sẽ được tái định cư ở gần đó chứ không đi xa. Họ sẽ không chiếm đất chỗ khác để ở mà nhà đầu tư sẽ xây dựng những chung cư ngay bên bờ kênh rạch để họ ở đó. Phương châm là tái đầu tư tại chỗ.

Sau đó, hai phần đất liền bờ sông, rạch có thể được tận dụng để làm đường đi, như vậy sẽ góp phần giảm ách tắc giao thông. Tuỳ loại kênh rạch, đặc điểm từng vị trí sẽ thoả thuận với nhà đầu tư phần đất mà họ được kinh doanh khai thác dọc bờ. Tinh thần là giao cho họ quyền khai thác hai bên bờ ở mức phù hợp chứ Nhà nước không trả đồng nào. Chính nguyên tắc này nhà đầu tư nêu ra cho TP, còn tuỳ vào giá cụ thể thì TP sẽ tính toán. Sắp tới thành phố sẽ cố gắng làm 1-2 dự án trước để rút kinh nghiệm, sau đó sẽ triển khai phần còn lại.

Xin cảm ơn ông!

Quốc Anh (ghi)

Video, ảnh: Nguyễn Quang