TPHCM: Sai một ly, mất trăm tỷ!
(Dân trí) - Từ cơ quan quản lý, chủ đầu tư đến nhà thầu… của gói thầu số 7 dự án Vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mỗi đơn vị sai một tí khiến ngân sách nhà nước mất hơn 100 tỷ đồng.
Mất hơn 100 tỷ?
Dự án Vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (VSMT TPHCM NL-TN) có tổng số vốn là 199,96 triệu USD, trong đó Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay tín dụng 166,34 triệu USD, bao gồm 23 gói thầu.
Gói thầu số 7 của dự án (tuyến cống bao, thiết bị tách dòng và miệng xả ngầm) do liên danh nhà thầu TMEC-CHEC 3 trúng thầu thi công với trị giá 456 tỷ đồng.
Theo hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư (Sở Giao thông Công chính TPHCM) với nhà thầu thì đến tháng 12/2006 gói thầu số 7 phải hoàn tất. Tuy nhiên, mãi đến nay gói thầu này vẫn chỉ xong được chừng 50%. Với năng lực hiện có của nhà thầu, muốn xong cũng phải đến năm 2011.
Do vậy, UBNDTP buộc phải tách 1 phần công việc của gói thầu số 7 gồm thiết bị tách dòng, cống đào hở và hố ga thành một gói thầu phụ là gói thầu số 7A để đấu thầu lại cho nhà thầu khác thi công.
Nếu không, nhà thầu TMEC-CHEC 3 không thể thực hiện hết gói thầu số 7 trước năm 2009, dẫn đến toàn dự án bị chậm tiến độ. Khi đó, TPHCM có nguy cơ bị WB không cho gia hạn hiệp định vay vốn tín dụng, cắt khoản vay gần 100 triệu USD còn chưa kịp giải ngân cho dự án này.
Theo hợp đồng ban đầu ký kết với nhà thầu TMEC-CHEC 3 thì phần việc này trị giá 38,7 tỷ đồng. Nhưng thời điểm này, TPHCM gọi đấu thầu gói thầu 7A thì giá dự thầu thấp nhất đã lên đến 143 tỷ đồng do giá vật tư biến động quá lớn... Tức là, TPHCM phải chi thêm ít nhất là 104 tỷ cho gói thầu số 7.
Lỗi tại ai?
Lỗi dễ nhận thấy nhất là nhà thầu TMEC-CHEC 3 kém năng lực thi công và tài chính nên gói thầu số 7 liên tục chậm tiến độ, buộc UBND TPHCM phải liên tiếp cho gia hạn thời gian và cuối cùng là giảm phần việc, lập gói thầu mới.
Tuy nhiên, nhà thầu kém năng lực tại sao vẫn cho trúng thầu? Khi xét thầu gói thầu số 7, Bộ Kế hoạch Đầu tư đã có văn bản nhắc nhở UBND TPHCM (đơn vị quyết định) chú ý đến năng lực của liên danh nhà thầu TMEC-CHEC 3.
Vì nhà thầu CHEC 3 của liên danh này vốn không có chức năng hoạt động tại nước ngoài. Nhưng cuối cùng, TMEC-CHEC 3 vẫn trúng thầu. Vậy lỗi tại UBND TPHCM?
Phía UBND giải thích: TMEC vốn là một tập đoàn hùng mạnh, thi công nhiều công trình quốc tế nên tin tưởng họ đủ năng lực tài chính và kỹ thuật. Theo đúng Luật Đấu thầu, TMEC-CHEC 3 đủ năng lực và kinh nghiệm, giải pháp thi công phù hợp hồ sơ mời thầu, bỏ thầu thấp nhất… nên UBNDTP duyệt trúng thầu là hợp lệ.
UBND chỉ có “sai sót nhỏ” là không biết liên danh này thiếu kinh nghiệm thi công tại Việt Nam. Do vậy, liên danh này đã bỏ thầu với giá quá thấp, khi đem đơn giá đó ra kêu gọi các nhà thầu phụ là các công ty Việt Nam cùng thi công thì chẳng công ty nào nhận. Kết cục là chậm tiến độ.
Còn nhà thầu thì đổ cho thủ tục ở ta quá phiền hà, giá vật tư tăng quá nhanh, địa chất tại địa điểm thi công quá phức tạp, và trên hết là chủ đầu tư quản lý kém. Bởi chủ đầu tư (Sở GTCC) là đơn vị chủ quản của Thảo cầm viên Sài Gòn, vậy mà lại để Thảo cầm viên xây dựng chuồng hươu ngay tại vị trí thi công giếng khoan của gói thầu số 7, khiến nhà thầu phải tốn nhiều thời gian, tiền của giải tỏa…
Phía Ban quản lý dự án VSMT TPHCM NL-TN cũng thừa nhận là còn thiếu kinh nghiệm quản lý dẫn đến vài “sai sót nhỏ”.
Nói chung là phía nào cũng có vài “sai sót nhỏ”, nhưng “sai một ly mà mất trăm tỷ”! Đồng thời tạo một tiền lệ xấu cho các dự án hạ tầng: vì đảm bảo tiến độ thi công mà phải đẻ gói thầu phụ, lãng phí ngân sách. Bộ KHĐT đề nghị Chính phủ kiểm điểm UBND TPHCM, rút kinh nghiệm để tiền lệ này không bị lặp lại.
Tùng Nguyên