1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Quyết lấy lại vỉa hè và kêu gọi người dân đi bộ

(Dân trí) - Người đứng đầu chính quyền TPHCM đánh giá cao sự quyết liệt của quận 1 trong việc chấn chỉnh trật tự đô thị thời gian qua và cho rằng lãnh đạo phải ra đường thì “mới có hiệu quả”. Chủ tịch TPHCM yêu cầu các quận, huyện: “Hãy lấy lại vỉa hè cho người đi bộ. Việc gì hợp lòng dân thì cứ mạnh dạn làm”.

Hãy trả lại vỉa hè cho người đi bộ

Ngày 17/2 UBND TPHCM đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2016 và triển khai các chương trình năm 2017.

Được mời lên trình bày kinh nghiệm trong việc chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên trên một số tuyến đường của huyện có đến 80% số hộ lấn chiếm tự động thu dọn.

Xử lý lấn chiếm vỉa hè trên đường Trần Quang Khải (quận 1)
Xử lý lấn chiếm vỉa hè trên đường Trần Quang Khải (quận 1)

“Ai là thành viên của Hội Phụ nữ chúng tôi giao cho hội thuyết phục, ai là thành viên của Hội Cựu chiến binh chúng tôi giao cho hội cựu chiến binh thuyết phục”, ông Phú nói và cho rằng quan trọng nhất là phân biệt đúng đối tượng để tuyên truyền.

Theo ông Phú, khi đi cưỡng chế các hộ lấn chiếm lòng lề đường, huyện cũng mời luôn cả đại diện của Viện kiểm sát và lập biên bản, xử lý ngay những ai có hành vi chống người thi hành công vụ. Sau khi dẹp xong, huyện tổ chức trồng hoa để ngăn việc tái chiếm. Ông cho biết, 1 chủ tịch xã đã “lên đường”, 2 người bị hạ bậc thi đua vì không xử lý được việc lấn chiếm.

Nghe thành tích của huyện Củ Chi, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ngồi dưới giơ tay nói: “Cái này tôi phải học tập”.

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, nếu người đứng đầu địa phương quan tâm thì trật tự lòng, lề đường sẽ có chuyển biến. Ông yêu cầu các địa phương phải phân tích được nguyên nhân, trên cơ sở đó đưa ra giải pháp hiệu quả.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải làm quyết liệt để lấy lại đường cho người đi bộ
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải làm quyết liệt để lấy lại đường cho người đi bộ

“Vấn đề này đặt ra hàng ngày hàng giờ hết sức cụ thể nên những giải pháp cũng cần quyết liệt, rõ ràng về mặt thời gian. Lãnh đạo quận, huyện không được coi đây là vấn đề của riêng lực lượng công an, bởi mỗi người đều là Trưởng Ban An toàn giao thông của các quận”, ông Phong nói.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Phong cũng đánh giá cao sự quyết liệt của lãnh đạo quận 1 trong việc chấn chỉnh trật tự đô thị ở trung tâm thành phố và nhấn mạnh: “Lãnh đạo phải trực tiếp ra đường như vậy mới “ăn”, mới có hiệu quả”.

Ông Phong chưa yêu cầu các địa phương phải giống như quận 1 là xử lý dứt điểm nhưng phải có chuyển động và đề ra giải pháp quyết liệt, phải làm đến nơi đến chốn. “Làm việc đó là phù hợp với lòng dân chứ không bị phản ứng đâu, việc gì hợp với lòng dân thì chúng ta cứ mạnh dạn làm, có sự đồng thuận của nhân dân là làm được hết. Hãy trả lại vỉa hè cho người đi bộ”, ông Phong nói.

Ngoài ra, ông Phong cũng yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh xử lý bến “cóc”, xe “dù”. Ông cho biết đang “nợ” HĐND TP về lời hứa chấm dứt bến “cóc”, xe “dù” nên cuối tháng 2 các địa phương, đơn vị liên quan phải báo cáo lại tình hình.

Khuyến khích người dân đi bộ

Cũng trong ngày 17/2, làm việc với Sở GTVT TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đề cập đến vấn đề khuyến khích người dân đi bộ. Ông nói: “Người nước ngoài đi bộ rần rần. Còn người dân thành phố thì chưa có thói quen đi bộ, tới mức đi 100m cũng xách xe đi”.

Tuy vậy, ông Khoa cũng thừa nhận, lề đường chưa được thông thoáng nên người dân còn e ngại đi bộ. Ông cho biết nhiều thủ trưởng cơ quan, đơn vị muốn đi bộ, đi xe đạp đến chỗ làm nhưng sợ bị nói “làm kiểu”. Bản thân ông ngày xưa cũng thích đi xe đạp nhưng sợ thành kỳ cục.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa khuyến khích người dân thành phố đi bộ
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa khuyến khích người dân thành phố đi bộ

Từ những chia sẻ trên, ông Khoa gợi ý phát động một phong trào để người dân đi bộ nhiều hơn, nhất là trong phạm vi 2-3km. Ông cho rằng đi bộ vừa tăng cường sức khỏe, xã hội cũng bớt được lượng xe, giảm ô nhiễm môi trường, bớt tiêu thụ năng lượng.

Ngay sau đó, ông Khoa hỏi đại diện Sở GD-ĐT TP: “Có thể vận động phụ huynh trong phạm vi 2-3km, thay vì chở bằng xe thì cha mẹ sẽ dắt con tới trường được không?”.

Đại diện Sở GD-ĐT cho biết, đường đi không an toàn nên nhiều phụ huynh không yên tâm khi con cái đi bộ tới trường. Để vận động đi bộ đến trường thì trước hết phải tạo được không gian vỉa hè thông thoáng, trồng nhiều cây xanh để có bóng mát…

Ông Khoa tiếp tục gợi ý: “Những thầy cô giáo cách trường dưới 3km có nên là những người đầu tiên đi bộ đến trường?”. Đại diện ngành giáo dục TP cho rằng trời nóng bức mà cô giáo mặc áo dài đến trường thì sẽ rất bất tiện.

“Cái đó khắc phục được, khi tới trường mình mới thay áo dài là được”, ông Khoa nói và cho rằng việc đi bộ chỉ là gợi ý để nghiên cứu cho thí điểm chứ chưa phải là chủ trương. Khi thực hiện sẽ vận động chứ không ép buộc. Theo ông, đi bộ cũng là nét văn hóa và TP sẽ đảm bảo vỉa hè thông thoáng để người dân đi bộ an toàn.

Xe máy leo lề khiến người dân không thể yên tâm khi đi bộ trên vỉa hè
Xe máy leo lề khiến người dân không thể yên tâm khi đi bộ trên vỉa hè

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đặng Quốc Khánh cho rằng ý thức tham gia giao thông của nhiều người rất kém, chạy xe lên vỉa hè nên gây cản trở lớn cho người đi bộ.

Ông dẫn chứng về tình trạng lộn xộn trên đường Lương Nhữ Hộc (quận 5): “Tuyến đường này người đi bộ rất nhiều nhưng bị xe đụng hoài. Trên vỉa hè phải quy định rõ ràng các ranh giới dành cho người đi bộ, đồng thời xe máy không được phạm vào”.

Sau một vòng thăm dò ý kiến và được số đông ủng hộ quan điểm, ông Lê Văn Khoa giao sở GTVT và Ban An toàn giao thông TP phối hợp nhằm vận động, kêu gọi người dân TP đi bộ trong khoảng cách phù hợp với điều kiện và sức khỏe của mỗi người.

Quốc Anh