TPHCM: Nước mắt khóc chung tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
(Dân trí) - Đúng 7h ngày 25/7, cùng với nghi thức Quốc tang diễn ra ở Hà Nội, lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Hội trường Thống Nhất (TPHCM).
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hội trường Thống Nhất, quận 1, TPHCM (Ảnh: Hải Long).
Đúng 7h, tại Hội trường Thống Nhất diễn ra lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự có mặt của nhiều nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TPHCM, rất đông người dân TPHCM và các tỉnh thành phía Nam.
Tại Hội trường Thống Nhất, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM, làm trưởng đoàn viếng của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Hải Long).
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Hải Long).
Anh Nguyễn Phú Huỳnh (39 tuổi, huyện Hóc Môn) mang bức tranh tự tay mình làm đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất.
"Tổng Bí thư ra đi là sự mất mát lớn lao của cả dân tộc. Tôi muốn dành tặng món quà này như lời tri ân gửi đến bác, người đã cống hiến lớn lao cho đất nước", anh Phú Huỳnh nói (Ảnh: Nam Anh).
Người dân TPHCM xúc động khi đứng trước di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Hải Long).
Những hình ảnh xúc động nghẹn ngào của người dân TPHCM tại lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hội trường Thống Nhất (Ảnh: Hải Long).
Người dân xúc động trước di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Hải Long).
Các đoàn viên, sinh viên xếp hàng dài vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất (Ảnh: Nam Anh).
Từ sáng sớm, nhiều cựu chiến binh vào Hội trường Thống Nhất viếng Tổng Bí thư (Ảnh: Hải Long).
Bà Lê Thị Kim Liên (73 tuổi, tới từ TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, bà bắt xe di chuyển từ Lâm Đồng lúc 1h sáng và tới TPHCM lúc 5h sáng. Khi tới Hội trường Thống Nhất, bà cảm thấy rất xúc động khi chứng kiến lực lượng công an, quân đội đang thực hiện công tác chuẩn bị cho lễ viếng từ lúc trời còn tờ mờ sáng.
"Mặc dù ở Lâm Đồng cũng có nơi tổ chức lễ viếng và truy điệu, tuy nhiên, tôi muốn trực tiếp tới Hội trường Thống Nhất để tiễn biệt bác Trọng. Tôi muốn thể hiện lòng kính trọng đối với Tổng Bí thư", bà Lê Thị Kim Liên bày tỏ (Ảnh: Nam Anh).
Người dân và các ban ngành đoàn thể đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội trường Thống Nhất phải quét mã CCCD ở khu vực an ninh (Ảnh: Nam Anh).
Các đoàn viên xếp hàng trước khu vực Hội trường Thống Nhất để chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: Nam Anh).
Đoàn các Tổng lãnh sự quán tại TPHCM vào Hội trường Thống Nhất viếng Tổng Bí thư (Ảnh: Nam Anh).
Lực lượng CSGT làm nhiệm vụ bên ngoài Hội trường Thống Nhất phân luồng giao thông để tạo điều kiện tốt nhất cho lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân vào viếng Tổng Bí thư (Ảnh: Nam Anh).
Hội trường Thống Nhất TPHCM - nơi tổ chức Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại khu vực miền Nam (Ảnh: Nam Anh).
Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra từ 7h-22h ngày 25/7 và từ 7h-12h30 ngày 26/7. Lễ truy điệu lúc 13h ngày 26/7.
Người dân và các đoàn đại biểu của các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, các đơn vị lực lượng vũ trang đến viếng có phân công trưởng đoàn, trang phục trang trọng, sẫm màu, nghiêm túc theo nghi thức Quốc tang.
Học sinh, sinh viên, công nhân, viên chức, công chức, người lao động mặc đồng phục theo trường, đơn vị.
Không mang theo vòng hoa, trái cây, nhang đèn. Cá nhân mang theo căn cước công dân, ứng dụng VNeID hoặc giấy tờ tùy thân khác để quét mã trước khi vào khu vực tang lễ.
Không mang theo túi xách, chỉ mang theo dải băng viếng tang (kích thước: dài 80cm x cao 15cm, màu đen, chữ trắng), có dòng chữ ghi tên đơn vị để gắn vào vòng hoa luân chuyển do ban tổ chức chuẩn bị. Các đoàn thu xếp đi xe chung để giảm áp lực giao thông.
Các đoàn viếng tang theo khung giờ nhất định. Trong đó, người dân đến viếng vào khung giờ 13h-22h ngày 25/7 và 7h-12h30 ngày 26/7.