TPHCM: Nhiều dịch bệnh diễn biến phức tạp
(Dân trí) - Từ đầu năm 2011 đến nay, sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, tả… vẫn diễn biến phức tạp. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cảnh báo, các loại bệnh này đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch.
Cúm A/H1N1 đe dọa thành phố
Bệnh cúm A/H1N1 liên tiếp xuất hiện tại khu vực Nam bộ, trong đó có Bến Tre với hơn 200 ca nhiễm vào cuối tháng 2, đầu tháng 3, tỉnh Bình Phước cũng ghi nhận 11 ca nhiễm loại virus nguy hiểm này.
TPHCM ghi nhận ít trường hợp nhiễm cúm hơn nhưng đã có một ca tử vong vào ngày 1/3. Trước đó, bệnh nhân Đ.V.H (52 tuổi) đã điều trị ở nhiều nơi nhưng không khỏi nên được chuyển tới bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới trong tình trạng viêm phổi, suy hô hấp nặng. Kết quả kiểm tra cho thấy mẫu bệnh phẩm dương tính với cúm A/H1N1. Dù được điều trị tích cực nhưng bệnh nhân không thể qua khỏi.
Công sở, trường học là nơi có nguy cơ nhiễm cúm cao (ảnh minh họa)
Ngày 8/3 Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới lại tiếp nhận một trường hợp nhiễm cúm khác, bệnh nhân là P.Q.S (44 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú). Hiện anh S. vẫn phải cách ly điều trị đặc biệt tại khu Nhiễm D. Do phát hiện bệnh quá trễ nên bệnh nhân đang trong tình trạng viêm phổi, suy thận nặng.
Cúm A/H1N1 xuất hiện ở nhiều tỉnh gây tâm lý hoang mang cho người dân. Trước tình hình trên BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết: “Dân cư đông đúc, số lượng người ở các tỉnh ra vào thành phố quá đông khiến cho nguy cơ lây lan dịch bệnh ở những nơi công cộng như các xí nghiệp, trường học và các khu dân ở mức rất cao”.
Để phát hiện kịp thời và khống chế các ổ dịch, BS Thọ đề nghị trung tâm y tế của các phường xã, quận huyện trên địa bàn thành phố phải có thống kê, báo cáo cụ thể số ca nhiễm cúm, kể cả cúm thông thường.
Ông cũng khuyến cáo người dân tăng cường bảo vệ sức khỏe, không nên tiếp xúc với người đang có biểu hiện bệnh, tuyệt đối không được chủ quan. Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng ho, sốt cao liên tục phải đến trung tâm y tế để được chẩn đoán kịp thời.
Sốt xuất huyết, tay chân miệng ở mức cao
Hơn 2 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố đã có 838 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), con số trên đã cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, tính trung bình mỗi phường xã có 3,4 trường hợp mắc SXH trong tháng.
Bất chấp các biện pháp phòng và dập dịch của ngành y tế loại bệnh này vẫn chưa có dấu hiệu được đẩy lùi, nếu không khống chế được dịch trong giai đoạn mùa khô thì nguy cơ bùng phát dịch khi mùa mưa đến khó có thể tránh khỏi.
Nhiều loại bệnh đang diễn biến phức tạp
Sở Y tế cho biết, sẽ tiến hành một “chiến dịch” lớn để tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong công tác phòng dịch. Sở sẽ ra quân phun thuốc trên diện rộng tiêu diệt lăng quăng, xử lý ổ dịch mới dập các ổ dịch cũ tại các phường xã trước khi mùa mưa diễn ra.
Bên cạnh cúm và sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng đang là mối đe dọa lớn đối với trẻ em. Theo thống kê của Viện Pasteur thành phố và hai bệnh viện Nhi Đồng, hiện mỗi tuần có tới hơn 40 ca tay chân miệng nhập viện. Nhiều trẻ do gia đình chủ quan không đưa đến bệnh viện kịp thời nên tình trạng bệnh đã diễn biến nặng gây khó khăn lớn cho công tác điều trị.
BS Nguyễn Đắc Thọ cho biết: “Bệnh tay chân miệng tăng cao ngoài nguyên nhân do sự thay đổi của thời tiết thì yếu tố chủ quan của các bậc phụ huynh cũng có tác động không nhỏ. Để giảm tỷ lệ trẻ mắc tay chân miêng, đề nghị các gia đình phải luôn giữ gìn vệ sinh nhà cửa và vệ sinh cơ thể sạch sẽ cho các cháu”.
Để đối phó với nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra trên diện rộng, Sở Y tế thành phố yêu cầu các bệnh viện và Trung tâm y tế quận huyện chuẩn bị đầy đủ vật tư cơ số thuốc, cung cấp cloramin B khử trùng cho khu vực xuất hiện bệnh lây nhiễm.
Vân Sơn