1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM: Nguy cơ sạt lở ngày càng cao

(Dân trí) - Theo nhận định của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TPHCM, do tình hình khô hạn gay gắt ở khu vực Đông Nam bộ nên nguy cơ sạt lở đất bờ sông, kênh rạch năm nay có thể cao hơn năm 2009.

TPHCM: Nguy cơ sạt lở ngày càng cao - 1
1 vụ sạt lở bờ sông năm 2009 tại Bình Thạnh.

Hiện tượng sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, biển thường xảy ra từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm. Do trong các tháng này, mực nước chân triều rút thấp nhất trong năm, các vị trí bờ yếu lộ ra và bị sóng bất thường đánh vào cộng với áp lực nhà cửa xây dựng trên bờ gây ra sạt lở.

Ngoài ra, trong các tháng đầu năm 2010, tình trạng hạn hán gay gắt làm lượng nước về các hồ chứa thủy điện, thủy nông ở thượng nguồn giảm đáng kể dẫn đến giảm lưu lượng xả về hạ lưu. Điều này góp phần làm gia tăng độ sâu của mực nước chân triều và nguy cơ sạt lở càng cao hơn so với năm 2009.

Được biết trong năm 2009, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 14 vụ sạt lở. Trong đó, nhiều nhất là ở huyện Nhà Bè (7 vụ); quận Bình Thạnh (4 vụ); quận Thủ Đức và 2 huyện Bình Chánh, Củ Chi mỗi nơi xảy ra 1 vụ. 14 vụ sạt lở này đã “nuốt” hơn 4.000 m2 đất và 5 căn nhà, rất may là không có thiệt hại về người.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP thì hiện TP có 42 vị trí có nguy cơ sạt lở cao (trong đó sạt lở bờ sông có 40 điểm và sạt lở bờ biển có 2 điểm). Các điểm nguy cơ sạt lở chủ yếu tập trung tại huyện Nhà Bè (17 điểm), huyện Cần Giờ (9 điểm), quận Bình Thạnh (8 điểm) và một số quận như: quận Thủ Đức (4 điểm), quận 2 (2 điểm), quận 4 (1 điểm), quận 9 (1 điểm).

Trước tình hình này, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP ban hành văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư công trình bảo vệ bờ sông, kênh, rạch, biển khẩn trưởng đẩy nhanh tiến độ xây dựng; giao các đơn vị chức năng tiến hành cắm biển báo nguy hiểm và cảnh báo người dân; chính quyền địa phương được giao kiểm tra định kỳ các vị trí có nguy cơ sạt lở và có biện pháp ứng phó kịp thời…

UBND TP cũng vừa chấp thuận chủ trương cho phép tổ chức thí điểm thành lập lực lượng quản lý đê nhân dân tại các phường trọng điểm gồm: Thạnh Lộc, Thạnh Xuân, An Phú Đông (thuộc quận 12) và Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước (thuộc quận Thủ Đức).

Với biện pháp này, TP mong muốn có sự hỗ trợ từ phía nhân dân sẽ phát huy được thế mạnh của lực lượng tại chỗ, kịp thời khắc phục khi sự cố xảy ra và dễ dàng kiểm soát, bảo vệ đê điều, bờ bao… Nếu kết quả tốt, mô hình này sẽ được nhân rộng ra các khu vực có nguy cơ sạt lở, vỡ bờ bao khác.

Tùng Nguyên