1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Nguy cơ mất 1.000 tỷ đồng nếu đóng cửa bãi rác Phước Hiệp

(Dân trí) - Theo Thanh tra TPHCM, nếu đóng cửa bãi rác số 3 thuộc khu xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (huyện Củ Chi), thành phố có thể mất 1.000 tỷ đồng, bao gồm tiền đầu tư và bồi thường cho nhà thầu.

Bãi rác số 3 thuộc khu xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (huyện Củ Chi) do Công ty Môi trường và Đô thị TP làm chủ đầu tư. Sau đó, Liên danh nhà thầu KBEC (Hàn Quốc) tiếp nhận bãi rác từ năm 2013. Tính đến đầu năm 2015, bãi rác này đã xây dựng được 70% và tiếp nhận 2.000 tấn rác mỗi ngày.

Bãi chôn lấp rác số 3 thuộc khu xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (huyện Củ Chi)
Bãi chôn lấp rác số 3 thuộc khu xử lý chất thải rắn Phước Hiệp (huyện Củ Chi)

Thế nhưng, từ đầu năm 2015, UBND thành phố có chủ trương đóng cửa bãi rác số 3 thuộc khu xử lý chất thải rắn Phước Hiệp. Số rác lâu nay xử lý tại đây sẽ được chuyển về khu xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh).

Đồng thời, UBND TP cũng đồng ý cho Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (chủ đầu tư khu xử lý chất thải rắn Đa Phước) nâng công suất tiếp nhận, xử lý của khu liên hiệp xử lý chất thải Đa Phước từ 3.000 tấn/ngày lên 10.000 tấn/ngày (theo yêu cầu của công ty này).

Quyết định trên của thành phố vấp phải sự phản ứng gay gắt của chủ đầu tư bãi rác Phước Hiệp và Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM. Trong tháng 8/2015, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM đã có thư gửi UBND TPHCM và cho biết, tính tới thời điểm bãi rác số 3 ngưng tiếp nhận rác, nhà thầu KBEC đã rót nhiều chi phí đầu tư cho dự án này. Chính vì thế, quyết định dừng dự án bãi chôn rác số 3 sẽ gây nhiều khó khăn cho nhà thầu. Theo phía Hàn Quốc, việc dừng hay tạm dừng dự án bãi chôn lấp số 3 với lý do không chính đáng có thể dẫn đến tranh chấp pháp lý mang tính quốc tế.

Do đó, Chánh Thanh tra TP vừa kiến nghị Chủ tịch UBND TPHCM cân nhắc việc đóng cửa bãi rác số 3 thuộc khu xử lý chất thải rắn Hiệp Phước (huyện Củ Chi) để tránh gây lãng phí ngân sách nhà nước. Bởi nếu đóng cửa bãi rác này, TPHCM có khả năng sẽ mất 1.000 tỷ đồng, trong đó bao gồm 600 tỷ đồng đầu tư xây dựng và 400 tỷ đồng phải bồi thường cho nhà thầu chính xây dựng bãi rác.

Đồng thời, Thanh tra TP kiến nghị UBND TP cần tổ chức đấu thầu cung ứng dịch vụ công ích trong lĩnh vực xử lý chất thải để tránh tình trạng độc quyền, qua đó tiết kiệm cho ngân sách thành phố.

Nếu tính thêm số rác từ bãi Phước Hiệp, hiện bãi rác Đa Phước tiếp nhận xử lý khoảng 5.000 tấn rác/ngày. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP, lực lượng kiểm tra, giám sát về môi trường bị hạn chế trong việc tiếp cận hoạt động xử lý chất thải của khu liên hợp này.

Do vậy, Thanh tra TP cho rằng, UBND TP cần cân nhắc đến công tác quản lý nhà nước về môi trường, việc chấp hành quy định pháp luật nhà nước của chủ đầu tư dự án Khu xử lý chất thải Đa Phước, đặc biệt vấn đề an ninh chất thải trong trường hợp khu xử lý chất thải này xảy ra tình trạng sụt lún, cháy nổ…

Quốc Anh

TPHCM: Nguy cơ mất 1.000 tỷ đồng nếu đóng cửa bãi rác Phước Hiệp - 2