1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM: Người tiêu dùng ngại cúm gia cầm

(Dân trí) - Thông tin cúm gia cầm A/H7N9 ngày càng lan rộng ở Trung Quốc trong khi tình trạng nhập lậu gia cầm phức tạp khiến người tiêu dùng lo ngại và hạn chế sử dụng thịt gia cầm.

Thích ăn nhưng sợ…

Thời gian qua, các phương tiện truyền thông liên tục phát đi cảnh báo về dịch cúm A/H7N9 vì nó đang lây lan quá nhanh tại Trung Quốc. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các địa phương nâng cao cảnh giác, tăng cường phòng chống dịch trên địa bàn. Tại TPHCM, ngay từ cuối tháng 4/2013, UBND TP đã yêu cầu triển khai hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 trên địa bàn.

Theo đó, UBND TP xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong từng tình huống phát sinh khác nhau để tránh việc chồng chéo, chậm trễ triển khai công tác phòng chống dịch. Thậm chí thành phố đã lên sẵn kế hoạch ứng phó khi dịch bùng phát trong cộng đồng.

Trước thông tin phòng dịch cấp tập trên, chị Khánh (ngụ tại chung cư Ngô Gia Tự, quận 10) cho biết: “Nhà tôi rất thích ăn thịt gà, nhất là gà rán. Tôi thường mua gà ở chợ về chế biến nhưng bây giờ thấy báo đài đưa tin cúm H7N9 tôi cũng hơi lo nên giảm bớt việc dùng thịt gà”.

Cùng chung lo lắng với chị Khánh, anh Quang (ngụ quận 5) chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây cũng thường dùng thịt gà vào các dịp cúng giỗ hay tiệc tùng nhưng nay hạn chế rồi. Dù biết là Việt Nam mình chưa bị ảnh hưởng bởi cúm H7N9 nhưng cũng phải lo, thà là phòng trước hơn là đợi nó đến rồi mới chữa”.

Tại các chợ, người tiêu dùng hỏi rất kỹ nguồn gốc thịt trước khi quyết định mua
Tại các chợ, người tiêu dùng hỏi rất kỹ nguồn gốc thịt trước khi quyết định mua

Tuy nhiên, thông tin tuyên truyền dịch vừa qua của ngành y tế là rất cần thiết. Bởi theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch cúm A/H7N9 hiện đang lây lan rất nhanh ở Trung Quốc, thậm chí đã xuất hiện tại vùng lãnh thổ Đài Loan. Tỷ lệ tử vong của bệnh nhân mắc cúm A/H7N9 rất cao (trên 20%) và dễ lây lan. Ngoài ra, Việt Nam lại là địa bàn giáp ranh Trung Quốc và có nhiều giao dịch qua lại nên khả năng lây lan sang nước ta là rất lớn.

Còn tại địa bàn TPHCM, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận, không thể không cảnh giác cao độ vì thành phố có cảng đường biển, đường hàng không, là nơi tiếp đón nhiều khách du lịch và hàng hóa vận chuyển đến từ các nước trên thế giới, đặc biệt từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc).

Giá thịt bán lẻ vẫn chưa bị ảnh hưởng

Mặc dù tâm lý lo ngại và hạn chế sử dụng thịt gia cầm đang xuất hiện nhiều nhưng thực tế giá cả bán lẻ thịt gia cầm, đặc biệt là thịt gà vẫn không có gì biến động. Theo tiểu thương tại các chợ Thị Nghè (Bình Thạnh), chợ Phường 2 (quận 10), chợ Tân Phú Trung (Củ Chi), chợ Cao Đạt (quận 5) thì giá thịt gia cầm từ cuối tháng tư đến nay hầu như không biến động mấy, trừ thời gian lễ 30/4 - 1/5 có tăng hơn so với ngày thường.

Tại chợ phường 2 (quận 10) có thể dễ dàng nhận thấy vẻ lo ngại của người tiêu dùng ở chợ, họ hỏi nhiều hơn về xuất xứ khi chọn mua thịt gà. Tuy nhiên, giá thịt gà tại đây hầu như không giảm mà một số mặt hàng còn tăng giá nhẹ.

Tại các chợ, người tiêu dùng hỏi rất kỹ nguồn gốc thịt trước khi quyết định mua
Nghe tin dịch, người tiêu dùng đều chọn các loại thịt có xuất xứ rõ ràng, thương hiệu uy tín nên dòng hàng này giá vẫn ổn định

Chị Nguyễn Thị Tài, một tiểu thương tại chợ Phường 2 cho biết: “Trong khoảng vài tuần trở lại đây giá thịt gà vẫn không có gì biến động. Trong đó, gà thả vườn nguyên con có giá là 65.000 đồng/kg; mức giá cao nhất là cánh gà có giá là 85.000 đồng/kg, tăng từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg so với trước; chân gà có giá 80.000đồng/kg, tăng hơn 10.000 đồng/kg...”.

Tại các siêu thị lớn, giá gà cũng vẫn đứng ở mức cao. Cụ thể, giá gà công nghiệp dao động quanh mức 41.000 đồng/kg, giá đùi gà từ 67.000 - 88.000 đồng/kg (tùy loại), giá cánh gà ở mức 79.000 - 81.000 đồng/kg...

Theo các tiểu thương, dù nhiều người hạn chế ăn thịt gà nhưng giá gà vẫn đứng, không giảm theo nhu cầu tiêu dùng là do một phần lớn người tiêu dùng hay mua hàng ở các chợ lẻ, chợ tự phát chuyển sang các chợ uy tín, siêu thị để mua nên lượng khách tại đây vẫn không giảm. Riêng mặt hàng chân và cánh tăng nhẹ là do nhu cầu các mặt hàng này tăng cao trong dịp lễ, hiện vẫn còn giữ giá cao, chưa giảm bằng với mức trước lễ.

Tuy nhiên, các tiêu thương kinh doanh mặt hàng này cũng rất lo ngại khi dịch thực sự bùng phát tại nước ta thì việc kinh doanh sẽ rất khó khăn. Chị Cao Thị Ánh, tiểu thương tại chợ Cao Đạt, quận 5 cho biết: “Tôi buôn bán gà ở đây cũng mấy năm rồi, có dịch là giá cả thay đổi ngay. Mà giá gà thay đổi thất thường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc buôn bán. Hết cúm H5N1 giờ đến cúm H7N9, không lo cũng không được!”.

Tùng Nguyên - Ngọc Phượng - Phương Trang