1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM: Người dân trong dự án “treo” 26 năm được “cởi trói”

(Dân trí) - Người dân trong dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa sẽ được cấp phép xây dựng có thời hạn. Đáng chú ý, một nhà đầu tư đồng ý rót 3 tỷ USD để “đánh thức” dự án “treo” suốt 26 năm qua.

Thành phố chấp thuận cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho người dân trong khu dự án Bình Quới – Thanh Đa

Trả lời câu hỏi của PV Dân trí  tại buổi họp báo thường kỳ tháng 10 của UBND TPHCM diễn ra trưa 1/11, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan đã cung cấp một thông tin vui cho gần 15.000 dân (ở phường 28, quận Bình Thạnh) bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa.

Theo ông Hoan, UBND TP đã chấp thuận cấp giấy phép xây dựng có thời hạn cho người dân trong khu dự án Bình Quới – Thanh Đa như đề xuất của Sở Xây dựng trước đó.

TPHCM: Người dân trong dự án “treo” 26 năm được “cởi trói” - Ảnh 2.

Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết có nhà đầu tư đồng ý chi 3 tỷ USD để thực hiện dự án Bình Quới - Thanh Đa (ảnh: Phạm Nguyễn)

Bên cạnh đó, Chánh Văn phòng UBND TP cũng thông tin thêm về tình hình triển khai dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa. Theo đó, thành phố xác định đấu thầu dự án chứ không chỉ định thầu.

“Hiện giờ có ít nhất 4 nhà đầu tư lớn quan tâm, trong đó có nhà đầu tư đồng ý chi 3 tỷ USD để làm dự án. Hiện các ngành chức năng đang ra tiêu chí đấu thầu dự án”, ông Hoan nói.

Người phát ngôn của chính quyền thành phố cũng cho biết vấn đề khó khăn chính là giải phóng mặt bằng, phải mất 300 ngày. Ngoài ra, để tổ chức đấu thầu theo đúng quy định thì cũng mất từ 500-800 ngày.

Theo ông Hoan, thành phố kiên trì thực hiện dự án Bình Quới – Thanh Đa nhưng dự án bị chậm. Một doanh nghiệp nước ngoài đã vào hợp tác làm dự án nhưng đành rút lui vì thành phố không trả lời được câu hỏi về tổng mức bồi thường giải phóng mặt bằng, khi nào giao đất?

TPHCM: Người dân trong dự án “treo” 26 năm được “cởi trói” - Ảnh 3.

Bán đảo Thanh Đa nằm giữa bốn bề sông nước (ảnh: Phạm Nguyễn)

Trước đó, theo Sở Xây dựng TPHCM, việc giải quyết các vướng mắc về nhà, đất tại khu vực dự án Bình Quới – Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) cần có giải pháp phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch kéo dài.

Do đó, Sở Xây dựng đề xuất UBND TPHCM xem xét 2 phương án. Phương án 1, khẩn trương triển khai đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Bình Quới – Thanh Đa theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 và Luật đầu tư năm 2014, để sớm triển khai dự án theo quy hoạch.

Phương án 2, rà soát lại quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Từ đó, đánh giá, xác định tính khả thi của dự án để điều chỉnh hoặc hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm, làm cơ sở để người dân được thực hiện tách thửa theo Quyết định số 60/2017 của UBND thành phố và được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo Quyết định số 26/2017 của thành phố.

Trong đó, Sở Xây dựng chọn phương án 2 vì cách này giải quyết được nhu cầu tách thửa và cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quyết định của thành phố, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng bởi dự án “treo” suốt 26 năm qua.

TPHCM: Người dân trong dự án “treo” 26 năm được “cởi trói” - Ảnh 4.

Hơn 4.000 hộ dân ở phường 28, quận Bình Thạnh bị ảnh hưởng bởi dự án Bình Quới - Thanh Đa (ảnh: Phạm Nguyễn)

“Việc rà soát lại quy hoạch giúp cho cơ quan quản lý có thể đánh giá tính khả thi về quy mô dự án, làm cơ sở để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực phù hợp để thực hiện dự án theo quy hoạch” – Sở Xây dựng nêu quan điểm.

Theo báo của của UBND quận Bình Thạnh, diện tích tự nhiên của phường 28 là gần 550ha; dân số 14.722 người với 4.404 hộ.

Năm 1992 dự án Bình Quới – Thanh Đa được UBND TPHCM phê duyệt và đến năm 2004 dự án đã được TPHCM giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do thiếu năng lực nên đơn vị này không triển khai được dự án và đến năm 2010 chính quyền TPHCM đã thu hồi quyết định.

Sau đó, một đơn vị trong nước được UBND TPHCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28, quận Bình Thạnh.

Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TPHCM chỉ định là nhà đầu tư dự án với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và triển khai đầu tư xây dựng chưa thể triển khai do có sự thay đổi về chủ đầu tư - công ty Emaar Properties PJSC xin rút khỏi dự án.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm