1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM nên phát triển loại hình xe buýt nhanh

(Dân trí)- Chính phủ Hàn Quốc hiện đang tài trợ TPHCM nghiên cứu khả thi hệ thống xe buýt nhanh (BRT) tại TP. Theo nhóm nghiên cứu, TP nên triển khai ngay 8 tuyến BRT để nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng, hạn chế ùn tắc.

BRT là hình thức sử dụng xe khách loại lớn (80 chỗ) chạy trên các làn đường dành riêng hoặc ưu tiên để đảm bảo không ùn tắc, tuân thủ đúng thời gian hành trình và vận tải hành khách số lượng lớn.

TPHCM nên phát triển loại hình xe buýt nhanh - 1
BRT là loại hình vận tải dùng xe khách loại lớn, chạy trên làn đường riêng (ảnh minh họa)

Theo báo cáo giữa kỳ của Nghiên cứu khả thi hệ thống xe buýt nhanh tại TPHCM cho thấy, đơn vị nghiên cứu đã khảo sát các tuyến đường trên địa bàn thành phố và đề xuất 8 tuyến thích hợp để phát triển BRT với tổng chiều dài 126 km và kinh phí khoảng 909 tỷ đồng.

PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho là nên sớm triển khai BRT tại TPHCM. Loại hình phương tiện này rất cần thiết vì nó tiết kiệm chi phí rất nhiều lần so với loại hình metro, monorail và hiệu quả vận chuyển thì tương đương nhau.

Theo thạc sĩ Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý vận tải công nghiệp (Sở GTVT) thì BRT là giải pháp khả thi nhất để giải quyết vấn nạn ùn tắc tại TPHCM. Thứ nhất vì tính hiệu quả (vận chuyển khối lượng lớn, thời gian nhanh), thứ hai là chi phí đầu tư thấp (chi phí đầu tư cho BRT là 1 – 2 triệu USD/km, cho tramway là 20 triệu USD/km, cho metro là 100 triệu USD/km).

Phát biểu tại hội thảo báo cáo giữa kỳ Nghiên cứu khả thi hệ thống BRT tại TPHCM, Ông Lê Đức Hành, Vụ trưởng Cơ quan đại diện Phía Nam, bộ Tài nguyên Môi trường cũng cho rằng: “Ý tưởng phát triển phương tiện BRT đang dần trở nên thông dụng, chi phí thấp và hiệu quả cao đã được nhiều quốc gia áp dụng. Nhiều nghiên cứu cho thấy BRT đạt được nhiều thành công như tăng lượng người đi, giảm lượng nhiên liệu sử dụng cho giao thông theo đầu người. Điều đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm và phát thải khí nhà kính”.

Theo quy hoạch giao thông đã được Thủ tướng phê duyệt, TPHCM sẽ có 6 tuyến metro, 2 tuyến monorail, 1 tuyến xe điện mặt đất và 10 tuyến BRT. Tuy nhiên, tuyến xe điện mặt đất dự kiến triển khai trên đại lộ Võ Văn Kiệt đã bị UBND TP đề xuất ngưng triển khai, chuyển sang nghiên cứu xây dựng BRT.

Tùng Nguyên