1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM: Mưa ngập tới yên xe mà thống kê chỉ ngập... 0,1- 0,25m

(Dân trí) - Cơn mưa lớn kéo dài chiều 19/5 khiến nhiều tuyến đường TPHCM như chìm trong biển nước, nhiều nơi ngập sâu đến yên xe máy. Song theo Sở Giao thông vận tải thành phố, chỉ có 10 tuyến đường bị ngập từ 0,1-0,25m và có 22 tuyến đường bị tụ nước.

Tại buổi cung cấp thông tin cho báo chí ngày 22/5, Sở GTVT TPHCM cho biết, cơn mưa chiều 19/5 có vũ lượng lớn nhất tại trạm Tân Sơn Hoà, gần 120mm. Cơn mưa làm 10 tuyến đường bị ngập từ 0,1-0,25m và 22 tuyến đường tụ nước.

Cơn mưa chiều tối 19/5 là cơn mưa lớn nhất từ đầu năm 2018 đến nay (ảnh: Trương Nhân)
Cơn mưa chiều tối 19/5 là cơn mưa lớn nhất từ đầu năm 2018 đến nay (ảnh: Trương Nhân)

Một số tuyến đường có thời gian rút nước sau cơn mưa từ 30 phút đến 3 giờ đồng hồ là Ung Văn Khiêm, Đinh Bộ Lĩnh, đường số 26, Cây Trâm, Phan Huy Ích, Nguyễn Xí, Quốc Hương. Đáng chú ý, đường Huỳnh Tấn Phát, An Dương Vương phải mất 5 giờ nước mới rút hết.

22 tuyến đường tụ nước và rút nước sau mưa từ 10-20 phút, gồm: Mai Thị Lựu, Tô Hiến Thành, Trường Sơn, Lê Quang Sung, Tôn Thất Hiệp, Phạm Văn Chiêu, Lê Đức Thọ, Lê Văn Thọ, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư, Dương Văn Cam, Quốc lộ 1A, Hồ Học Lãm, An Dương Vương (quận 8), Chánh Hưng, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá...

Số liệu thống kê chỉ ngập 0,25m nhưng thực tế có tuyến đường được nêu trong danh sách thực tế ngập tới... yên xe máy, tràn vào nhà dân như đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp).

Về điểm này, ông Đỗ Tấn Long – Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm chống ngập TPHCM cho rằng, việc đo độ sâu nước ngập không thể đo tại chỗ trũng được mà phải đo lấy độ sâu trung bình trên một tuyến đường.

Cũng theo ông Long, tiêu chí đánh giá điểm ngập được tính theo quy định của Bộ Xây dựng. Theo đó, sau khi dứt mưa 30 phút cơ quan chức năng mới đo tại các tuyến đường để thống kê các vị trí ngập hoặc tụ nước.

Khi đó, nếu đường còn ngập sâu hơn 0,1m thì gọi là điểm ngập, còn mực nước thấp hơn 0,1m gọi là điểm tụ nước chứ không gọi là điểm ngập.


Người dân lội nước tới ngang đùi trên đường Phan Huy Ích (ảnh: Trương Nhân)

Người dân lội nước tới ngang đùi trên đường Phan Huy Ích (ảnh: Trương Nhân)

Điều đáng nói, tình trạng mưa ngập ngày càng nhiều tại các tuyến đường thuộc quận 12, Gò Vấp như Phan Huy Ích, Cây Trâm, Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Văn Quá... (lưu vực kênh Tham Lương – Bến Cát), trong khi đây được xem là vùng cao ráo của TPHCM.

Ông Đỗ Tấn Long cho rằng, thời gian gần đây có nhiều trận mưa có vũ lượng lớn, lại xảy ra dồn dập, trong khi đó hệ thống cống thoát nước phần lớn đều nhỏ hẹp, xuống cấp nên dẫn đến tình trạng ngập nặng. Đường Nguyễn Văn Quá có cống hộp nhưng vẫn ngập vì chỉ mới hoàn thành 1 trong 2 cửa xả, cửa xả còn lại bị vướng mặt bằng nên chưa thể thi công.

Theo ông Long, khu vực trên đã lên kế hoạch thực hiện các dự án cải tạo cống thoát nước chống ngập, tuy nhiên, do gặp khó khăn về nguồn vốn nên chưa thực hiện được.

Theo thống kê, trên địa bàn có khoảng 8.590 tuyến đường trục và hẻm nhưng còn tới hơn 3.000 tuyến chưa có cống, trong đó chủ yếu tập trung ở vùng ven như quận Thủ Đức, quận 12, quận 9, huyện Nhà Bè… Trung tâm đã rà soát với các quận, huyện tuyến nào chưa cống hoặc hệ thống cống xuống cấp để phân kỳ đầu tư.

Theo kế hoạch chương trình giảm ngập từ 2016-2020, TPHCM cần tới hơn 96.000 tỷ đồng, tuy nhiên hiện nay một số nguồn vốn gặp khó khăn. Trung tâm chống ngập và các đơn vị liên quan vẫn đang tích cực tìm kiếm nguồn vốn.

Theo ông Long, chương trình chống ngập, giải pháp chống ngập có nhiều nhưng phải đầu tư phù hợp với tiềm lực tài chính của thành phố. Việc chống ngập không thể trong 1-2 năm là làm xong.

Quận 12 kiến nghị xây 3 hồ điều tiết chống ngập

Tại buổi làm việc với tổ công tác của UBND TPHCM mới đây, UBND quận 12 kiến nghị xây dựng hai trạm bơm tại cửa xả của rạch Cầu Suối và rạch Cây Liêm, phường Đông Hưng Thuận. Ngoài ra, quận cũng kiến nghị xây một hồ điều tiết ngầm tại sân bóng đá Cây Sộp và hai hồ điều tiết tại khu vực có địa hình cao (trường tiểu học Bàu Nai, công viên An Sương).

Tổng kinh phí dự kiến xây dựng trạm bơm và các hồ điều tiết tổng cộng khoảng 175 tỷ đồng. Các hồ điều tiết ngầm ở vùng cao được cho là sẽ giúp tạm trữ nước mưa tại chỗ để không chảy tràn gây ngập những nơi có địa hình thấp.

Theo UBND quận 12, đường Nguyễn Văn Quá và Song Hành Quốc lộ 22 thường xuyên ngập nặng mỗi khi có mưa lớn làm ảnh hưởng đến việc lưu thông và đời sống sinh hoạt của người dân. Nguyên nhân là hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ kết nối các cửa xả vào kênh Tham Lương. Ngoài ra, dự án Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên chưa hoàn thành nên chưa thể kiểm soát được mực nước trong kênh và hạn chế khả năng tiêu thoát nước của khu vực.

Quốc Anh