TPHCM cần quan tâm nhà ở xã hội như thế nào?
(Dân trí) - Thay đổi cách làm về quy hoạch, ứng dụng công nghệ, tránh lãng phí... là một số vấn đề về nhà ở xã hội được lãnh đạo TPHCM và các đại biểu đề cập trong phiên họp HĐND ngày cuối.
Sáng 8/12, kỳ họp HĐND TPHCM cuối năm 2023 thảo luận về vấn đề nhà ở xã hội (NOXH) trên địa bàn thành phố.
Ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TPHCM, có báo cáo đánh giá, quá trình triển khai công tác về NOXH đã đặt ra các kế hoạch trên cơ sở pháp lý là khá tốt.
Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đạt 69,2% chỉ tiêu xây dựng NOXH. Thành phố đang tập trung triển khai giai đoạn 2021-2025, nhưng mới làm được 3/91 dự án đạt 3,3%, kết quả đạt được khá thấp.
Về chỉ tiêu, trong giai đoạn 2021-2025, TPHCM đặt mục tiêu xây dựng 1,15 triệu m2 sàn. Bên cạnh đó, trong phê duyệt của Thủ tướng về đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH giai đoạn 2021-2030, đã giao TPHCM thực hiện 26.200 căn giai đoạn 2021-2025 và 43.500 căn giai đoạn 2026-2030.
"Chỉ tiêu Thủ tướng giao hết sức thách thức đối với TPHCM", ông Cường nói.
Dù vậy, với Nghị quyết 98 của Quốc hội và luật Nhà ở mới thông qua, ông Cường cho biết, TPHCM sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp như đoàn giám sát chỉ ra và thay đổi cách làm. Trong đó, thành phố tập trung điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM, thời gian qua các dự án NOXH đều vướng khâu quy hoạch ngay bước đầu triển khai, do các dự án không nằm trong đồ án phân khu.
Năm 2022, TPHCM xây dựng quy trình đầu tư NOXH từ khu đất của doanh nghiệp và đất công, gồm 8-10 bước nhưng ngay bước đầu tiên là quy hoạch đã vướng mắc.
Ông Cường nói thêm, trên cơ sở quy hoạch chung, thành phố sẽ điều chỉnh các quy hoạch phân khu, khi đó 88 khu đất dự kiến làm NOXH sẽ được tiếp tục cập nhật cho phù hợp quy hoạch, để đồng bộ việc xây dựng NOXH với quy hoạch chung của thành phố, sau đó triển khai các bước tiếp theo.
Phát biểu tại phiên họp, ông Bùi Xuân Cường nêu một số kiến nghị với HĐND TP. Trước hết, TP nên tập trung triển khai kiểm soát, giải quyết đối với nhóm giải pháp liên quan đến nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư NOXH.
Thứ hai, để tạo thuận tiện cho người dân tiếp cận NOXH, ông Cường đề nghị thay đổi cách triển khai đối với tiện ích trong và ngoài công trình cho phù hợp với bộ mặt thành phố.
Hơn nữa, quá trình triển khai phải công khai, minh bạch về thông tin dự án, thủ tục đăng ký, đối tượng mua và thuê mua, chi phí... từ khâu hình thành dự án đến mua bán, giám sát chất lượng.
Ngoài ra, Phó chủ tịch TPHCM cũng cho biết thêm, thời gian tới sẽ ưu tiên đầu tư công cho các dự án NOXH; tập trung phát triển dữ liệu đất đai, xây dựng, quy hoạch.
Giám đốc Sở Công Thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng thành phố cần có sự quan tâm nơi an cư cho người dân, đồng thời đưa ra một số đề xuất khác bên cạnh những giải pháp để thu hút đầu tư NOXH.
Theo ông Vũ, trong các quy định về nhà ở, kể cả nhà ở thương mại hay chung cư cao tầng đều có mục duy tu, bảo dưỡng. Tuy nhiên, trong thực tế việc vận hành hạng mục này chưa tốt, còn nhiều chung cư trong lúc xây dựng và sử dụng thì chưa có hoặc chưa quan tâm đến quá trình bảo dưỡng.
Do đó, ông Vũ đề xuất thành phố cần bố trí nguồn vốn đề duy tu các tòa nhà cũng như NOXH.
Đề xuất thứ hai của ông Vũ là thành phố cần ứng dụng công nghệ trong việc quản lý để giảm chi phí vận hành, mục đích để tăng tính tương tác giữa cư dân và nhà đầu tư, ban quản lý. Đồng thời, công nghệ cũng giúp giám sát các yếu tố như vệ sinh môi trường, đảm bảo chất lượng cuộc sống dân sinh.
Ngoài ra, theo Giám đốc Sở Công Thương, các dự án NOXH có chi phí đầu tư thấp thì phần tiện ích đơn giản hơn, nhưng về chất lượng và sự đảm bảo an toàn thì không được bỏ qua.
Cùng trong phiên họp, đại biểu Trương Lê Mỹ Ngọc đề xuất, UBND TPHCM cần khẩn trương việc rà soát thống kê toàn bộ các dự án nhà ở thương mại, khu vực đô thị có bố trí 20% quỹ đất để xây dựng NOXH hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương 20% trong quỹ đất để sử dụng làm NOXH.
Hoặc thành phố cần nộp tiền tương đương 20% quỹ đất vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định 100, Nghị định 49, Nghị định 35 của Chính phủ thời gian hoàn thành chậm nhất là đến hết quý III/2024 và cam kết việc thực hiện nội dung này theo thời gian đã nêu trên.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Nhung cho rằng, thực tế hiện nay trên địa bàn TPHCM có những khu nhà ở cao tầng nhưng vẫn chưa khai thác sử dụng, ví dụ như khu Bình Khánh và khu tái định cư ở TP Thủ Đức, thì cần phải có cách nào để chuyển chúng thành khu NOXH để tránh lãng phí.
Theo dự báo, bình quân TPHCM tăng khoảng 200.000 người/năm và 1 triệu người/5 năm. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho thành phố là đẩy mạnh phát triển NOXH để cải thiện chất lượng nhà ở cho người dân, đảm bảo an sinh - xã hội của một đô thị lớn với quy mô dân số khoảng 9 triệu người.
Năm 2022, TPHCM tổ chức khởi công, động thổ 4 dự án NOXH tại khu dân cư Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh), khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7), khu nhà ở tại phường Phú Hữu và phường Long Trường (TP Thủ Đức).
Theo báo cáo của UBND TPHCM, giai đoạn 2021-2025, TPHCM có 91 dự án nhà ở xã hội, đến nay đã hoàn thành 3/91 dự án (đạt 3,3%), 13/91 dự án đang triển khai (chiếm 14,29%), 75/91 dự án chưa triển khai (chiếm 82,41%).