Vì sao số lượng công viên ở TPHCM chưa đáp ứng nhu cầu của người dân?
(Dân trí) - TS Đinh Quang Diệp, giảng viên Đại học Nông Lâm TPHCM chỉ rõ các quận mới hay huyện ngoại thành ở TPHCM có quỹ đất nhiều nhưng công viên phục vụ người dân hiện nay lại rất ít. Đây là vấn đề nghịch lý.
Ngày 10/12, HĐND TPHCM phối hợp với các sở, ngành tổ chức chương trình Dân hỏi - chính quyền trả lời, với chủ đề "Quản lý và phát triển công viên, cây xanh công cộng".
TPHCM sẽ trồng thêm 10 triệu cây xanh
Mở đầu chương trình, bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Trưởng Ban Đô thị - HĐND TPHCM, đã tóm tắt chỉ tiêu về mảng xanh của thành phố theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng Bộ TPHCM nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Theo đó, chỉ tiêu mảng xanh đến năm 2025 của thành phố sẽ đạt không dưới 0,65m2/đầu người và hướng tới năm 2030 thì đạt không dưới 1m2/đầu người.
Bên cạnh đó, UBND TP đề ra chỉ tiêu đến năm 2025 sẽ tăng thêm 150ha công viên công cộng, diện tích công viên công cộng sẽ được tăng lên 0,65m2 trên đầu người (hiện nay 0,55m2/người) và tăng thêm 10ha mảng xanh công cộng nói chung.
Toàn bộ tuyến đường có vỉa hè ổn định trong thành phố có quy mô và điều kiện hạ tầng phù hợp từ 3m trở lên đều được trồng cây xanh.
Thành phố đang có kế hoạch trồng mới và cải tạo 30.000 cây xanh, dẫn nhập và trồng thêm 20.000 cây xanh phù hợp với thổ nhưỡng thành phố, đồng thời ban hành kế hoạch trồng thêm rừng ở ngoại thành.
"Thành phố chúng ta sẽ trồng mới 10 triệu cây xanh giai đoạn 2021-2025 nhằm tăng tỷ lệ phủ xanh và tạo cạnh tranh môi trường xanh - sạch - đẹp giữa các địa phương.
Chủ trương này đã nhận được sự đồng tình của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia. Tuy nhiên, để đạt chỉ tiêu này thì cũng đặt ra nhiều nội dung về công tác quản lý khai thác công viên cây xanh hiện hữu, công tác quy hoạch, các giải pháp thực hiện của cơ quan chức năng...", Trưởng Ban Đô thị TPHCM nói.
TS Đinh Quang Diệp, giảng viên Đại học Nông Lâm TPHCM (chuyên gia lâu năm về cây xanh), đánh giá phân bố mảng xanh của thành phố không đồng đều.
"Các quận nội thành trung tâm là nơi có số lượng và diện tích công viên nhiều hơn, trong khi các quận mới hay các huyện ngoại thành có quỹ đất dành cho cái công viên rất lớn nhưng lại ít về số lượng.
Đây là nghịch lý. Xin hỏi trong kế hoạch quy hoạch của thành phố tầm nhìn đến 2060 thì liệu có cải thiện hiện trạng trên", chuyên gia Đinh Quang Diệp đặt vấn đề.
Phản hồi ông Diệp, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QHKT) Nguyễn Thanh Nhã giải thích, quy hoạch của thành phố trước đây đã có những công viên tập trung ở nội thành. Thời gian trước chưa bị áp lực về dân số hay giá đất, nên việc xây dựng công viên có phần thuận lợi hơn.
Còn hiện nay, ông Nhã khẳng định, đồ án quy hoạch chung thành phố đều đã bố trí đều công viên cây xanh ở khắp các khu dân cư. Có tổng cộng 600 đồ án quy hoạch phân khu toàn thành phố đều chú ý yếu tố công viên cây xanh.
"Tuy nhiên, chúng ta chưa triển khai được những quy hoạch này ra thực địa, nên thực tế có thể thấy chưa đạt đủ mảng xanh, số lượng công viên chưa đáp ứng được nhu cầu.
Do đó, tôi kiến nghị, thời gian tới khi phát triển đô thị ngoài ưu tiên giao thông, hạ tầng, thì nên ưu tiên mảng xanh để có sự phân bố hợp lý hơn", Giám đốc Sở QHKT nêu ý kiến.
Ngoài ra, ông Đặng Phú Thành, Phó giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cũng thông tin thêm, toàn thành phố đang có khoảng 11.369ha đất công viên cây xanh. Từ 30/4/1975 đến nay, ngành công viên cây xanh đã nâng cấp, cải tạo, xây mới 405 công viên công cộng với diện tích 508ha.
Ứng xử với cây xanh trên đường thế nào?
Trong buổi thảo luận, cử tri Đoàn Thái Dương (phường 10, quận 10) đặt câu hỏi về chỉ tiêu và giải pháp trồng cây trên các lề đường 3m trở lên ra sao để đồng bộ về phân bố mảng xanh và mỹ quan.
Phó giám đốc Sở Xây dựng Đặng Phú Thành trả lời, đối với việc cải tạo trồng mới cây xanh trong thành phố trên lề đường, hàng năm các đơn vị chức năng đều ra soát các tuyến hè phố phù hợp để trồng cây. Thời gian qua, hơn 26.000 cây xanh đã được trồng (đạt chỉ tiêu 87% giai đoạn 2020-2025).
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát và trồng thêm tại các vỉa hè rộng, nhất là đoạn đi qua các công sở, trường học… sẽ mở rộng phần bồn, khoanh đất trồng cây để tăng điều kiện sinh trưởng của cây, đồng thời tăng khả năng thấm nước mặt góp phần giảm ngập cho đô thị", ông Thành thông tin.
Cử tri Đào Thị Hoa (phường 14, quận Gò Vấp) cũng nêu thực trạng người dân cố ý xâm hại và phá hoại cây xanh trước mặt tiền nhà như đóng đinh treo biển quảng cáo, buộc dây, xả chất thải, đổ hóa chất vào gốc cây, làm chặt rễ khi thi công công trình ngầm hóa...
Ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng, đã trả lời vấn đề này. Theo ông, hiện nay với sự cạnh tranh chật hẹp trong đô thị đã dẫn đến những hành vi như cử tri nêu trên.
"Những hành vi xâm hại và phá hoại cây xanh đều bị cấm, sẽ bị xử phạt theo Nghị định 16/2022 của Chính phủ. Mức phạt 20-30 triệu đồng đối với hành vi đầu độc hay xâm hại cây xanh, 30-50 triệu đồng khi chặt hạ hoặc đào gốc cây, đồng thời phải bồi thường...", ông Điệp cho biết.
Ngoài ra, ông Điệp kêu gọi người dân khi thấy cây xanh có dấu hiệu nguy hiểm trên đường phố như hư hỏng, nghiêng, lớn gốc, sắp đổ cần thông tin ngay lên cơ quan chức năng để xử lý.
Theo số liệu của Sở Xây dựng TPHCM, hiện địa phương chỉ có gần 110.000 cây xanh đô thị, phục vụ cho hơn 10 triệu dân. Tỷ lệ cây xanh ở thành phố chỉ đạt 0,55m2/người, trong khi các chuyên gia cho rằng con số này phải đạt tiêu chuẩn từ 12-15m2/người.