1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM lên phương án khai thác cầu tàu công viên bến Bạch Đằng và Ba Son

Phương Nhi

(Dân trí) - Sở GTVT TPHCM đưa ra phương án khai thác sử dụng cầu tàu công viên bến Bạch Đằng và cầu tàu Ba Son, nhằm phát triển vận tải hành khách công cộng, kết nối du lịch đường thủy...

Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản gửi UBND TPHCM để xem xét phương án khai thác các cầu tàu công viên bến Bạch Đằng và cầu tàu Ba Son (đối diện địa chỉ số 4B Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM).

Theo SGTVT, hiện cầu tàu số 1 (Bến ga tàu thủy Bạch Đằng) có 8 lượt phương tiện cố định từ Bạch Đằng đi Linh Đông và ngược lại. Riêng 2 ngày cuối tuần tăng thêm 4 lượt từ Bạch Đằng đi Bình An và ngược lại.

Cầu tàu số 2 hiện là tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc Greenlines DP,  từ bến Bạch Đằng đi TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), khai thác từ năm 2018, phục vụ khách du lịch đi lại bằng đường thủy.

Cầu tàu số 3, 4 không còn hoạt động bến thủy nội địa và đã được cải tạo, chỉnh trang thành công viên công cộng, Cầu tàu Ba Son đang tạm ngưng sử dụng.

TPHCM lên phương án khai thác cầu tàu công viên bến Bạch Đằng và Ba Son - 1

TPHCM lên phương án khai thác cầu tàu công viên bến Bạch Đằng và Ba Son (Ảnh: P.N.).

Sở GTVT cho biết, để tận dụng, phát huy các cơ sở hạ tầng hiện có tại khu vực, nhằm phục vụ, phát triển vận tải hành khách công cộng, kết nối du lịch đường thủy, góp phần giảm áp lực cho giao thông đường bộ, đơn vị này kiến nghị UBND TPHCM xem xét chấp thuận kế hoạch sắp xếp các cầu tàu 1, 2, 3, 4 công viên bến Bạch Đằng và cầu cảng B, C cầu tàu Ba Son.

Cụ thể, công ty TNHH Thường Nhật tiếp tục quản lý vận hành cầu tàu số 1, làm bến kết nối hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy, phục vụ du lịch đường thủy.

Trung tâm Quản lý đường thủy chịu trách nhiệm quản lý cầu tàu số 2, phối hợp các đơn vị liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tuyến vận tải hành khách từ bến Bạch Đằng đi TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).

Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố thuộc Sở Xây dựng tiếp tục quản lý, sử dụng cầu tàu số 3 với chức năng công viên như hiện trạng.

Cầu tàu số 4 sẽ do Trung tâm Quản lý đường thủy tổ chức quản lý, khai thác bến thủy nội địa hoạt động vận tải hành khách và du lịch bằng đường thủy (cho các phương tiện thủy nội địa cập bến đón trả khách, không neo đậu).

Với vị trí vùng nước giữa cầu tàu số 3 và cầu tàu số 4, chấp thuận cho Cục Hải quan thành phố neo đậu một phương tiện ca nô công vụ (công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại trên các tuyến đường thủy).

Sau khi quy hoạch bến thủy nội địa tại cầu cảng B, C của cầu tàu Ba Son được phê duyệt, giao tài sản cầu cảng cho Trung tâm Quản lý đường thủy để quản lý, khai thác vận tải hành khách và du lịch bằng đường thủy và nơi neo đậu phương tiện của các cơ quan chức năng (CSGT đường thủy, Thanh tra Sở GTVT).