1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM chuẩn bị đầu tư xây cầu hình cây đước gần 10.000 tỷ đồng

Tâm Linh

(Dân trí) - Cầu Cần Giờ nối khu đô thị phía Nam TPHCM với huyện Cần Giờ đã được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu chuẩn bị dự án đầu tư.

Dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ đã được Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT) thông báo kế hoạch lựa chọn nhà thầu (bước chuẩn bị dự án).

Theo đó, UBND TPHCM giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án Đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ theo phương thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn đầu tư dự kiến là hơn 9.980 tỷ đồng, được thực hiện trong giai đoạn 2021-2026.

Sở GTVT đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu chuẩn bị dự án, nhiệm vụ và dự toán chi phí chuẩn bị dự án vào ngày 6/12; phê duyệt hồ sơ yêu cầu gói thầu khảo sát và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vào ngày 20/12.

TPHCM chuẩn bị đầu tư xây cầu hình cây đước gần 10.000 tỷ đồng - 1

Cầu Cần Giờ có điểm đầu tại nút giao đường 15B (huyện Nhà Bè), điểm cuối kết nối với đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ), cách bến phà Bình Khánh khoảng 1,8km về phía Nam (Ảnh: Google Maps).

Cầu Cần Giờ dài 3,4 km, với 4 làn xe, tĩnh không thông thuyền (không gian dưới gầm cầu cách mặt nước) 55 m.

Cầu sẽ phá thế độc đạo của phà Bình Khánh, kết nối khu Nam thành phố với huyện Cần Giờ, đáp ứng nhu cầu giao thông trong khu vực, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy và phát triển dự án khu lấn biển, khu đô thị du lịch biển Cần Giờ.

Tháng 4/2019, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM công bố kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu phác họa theo hình dáng cây đước, biểu tượng đặc trưng cho vùng đất Cần Giờ. 

Cụ thể, cầu Cần Giờ được thiết kế theo dạng cầu dây văng một trụ tháp, lan can cầu có hình tượng sóng biển, với các trụ đèn chiếu sáng tạo hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu.

TPHCM chuẩn bị đầu tư xây cầu hình cây đước gần 10.000 tỷ đồng - 2

Phối cảnh cầu Cần Giờ (Ảnh: Sở GTVT TPHCM).

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, cầu có tĩnh không thông thuyền lớn nên yêu cầu đặt ra cũng đặc biệt, ngoài yếu tố kỹ thuật còn là yếu tố mỹ thuật, tạo dấu ấn phát triển về phía biển của thành phố. 

Ban đầu, dự án xây cầu Cần Giờ được UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng cho xây dựng theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) kết hợp BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn dự kiến 5.300 tỷ đồng. 

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho Bộ GTVT bổ sung cầu Cần Giờ vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 để làm cơ sở triển khai.

Người dân sẽ không phải chen chúc nhau đi qua phà Bình Khánh khi dự án cầu Cần Giờ (nối quận 7, huyện Nhà Bè với Cần Giờ) hoàn thành.