TPHCM lạnh nhất trong 6 năm lại đây
“Tối qua tôi phải đắp 2 chăn đơn mà vẫn run. Hơn 9h sáng nay mới đi chợ được vì xương khớp ê ẩm, sợ ra ngoài sớm, không tốt. Thời tiết Sài Gòn đặc biệt quá”, bà Trang, hơn 60 tuổi, một khách hàng ở chợ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, cho biết.
Bà Trang nói bà đã lôi áo khoác cũ từ nhiều năm trước ra mặc. Không chỉ bà Trang, hầu hết người dân TPHCM sáng nay ra đường đều diện trang phục mùa đông như áo len, áo da, áo gió, áo lông cổ..., thậm chí có người quàng thêm chiếc khăn cổ. Thành phố như lạ hơn.
Chị Hồng Vinh, nhân viên văn phòng ở quận 1, TPHCM, khoác một áo giả da màu xanh nói: “Người Sài Gòn ít có cơ hội mặc áo ấm. Chiếc áo da này tôi mua ở Đà Lạt, định năm tới ra Bắc sẽ dùng, không ngờ được diện ngay tại thành phố”.
Tuy nhiên, theo chị Vinh và nhiều người dân thành phố, họ chỉ thưởng thức không khí lạnh về đêm và tới chừng 10h sáng. Buổi trưa, trời lại nắng nóng trở lại. “Sáng sớm lạnh không mặc áo ấm không chịu được nhưng buổi trưa thì tái diễn áo sơ mi, áo thun ngắn tay. Đang đi trên đường, cởi áo khoác ra mà không biết nhét vào đâu”, anh Phạm Văn Thưởng, nhân viên một công ty chuyên lắp cáp vô tuyến, cho biết.
Theo bà Lê Thị Xuân Lan, Đài Dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, thành phố và các tỉnh miền Nam đang trong đợt nhiệt độ xuống thấp nhất của năm và thấp nhất từ năm 2001 đến nay.
TPHCM lạnh vào nửa đêm về sáng, với khoảng 16,4 độ C; huyện Xuân Lộc - Đồng Nai 14,4 độ C; Phước Long - Bình Phước 16 độ C; Bảo Lộc - Lâm Đồng khoảng 11 độ C; Đà Lạt dưới 10 độ C.
Nhiệt độ các địa phương lạnh thấp hơn nhiệt độ trung bình hàng năm trong 6 năm lại đây chừng 3 độ C. |
Cũng theo bà Lan, đợt lạnh này ảnh hưởng bởi 3 đợt gió mùa Đông Bắc liên tiếp từ miền Bắc, không khí lạnh tích tụ đợt trước chưa hết đã tới đợt sau. Thông thường các năm, đợt lạnh nhất rơi vào Noel hoặc Tết Dương lịch còn năm nay kéo tới cuối tháng 1. Dự kiến, lạnh còn kéo sang tháng 2, vì miền Bắc còn ít nhất 1 đợt gió mùa Đông Bắc.
Miền Nam lạnh về đêm nhưng vẫn nắng nóng vào ban ngày, với khoảng 30 độ C vào buổi trưa. Mức chênh lệch nhiệt độ đêm và sáng lên 13-15 độ C, trong khi thông thường các năm chỉ chênh lệch chừng 6-8 độ C. “Mức chênh lệch nhiệt độ quá lớn làm cho cây cối khô héo. Còn người bị mất nước, rất dễ bị các bệnh đường hô hấp như cảm, cúm và tim, mạch, đặc biệt với người già. Người dân nên đắp thêm chăn và mặc thêm áo ấm khi ra ngoài đường vào nửa đêm về sáng”, bà Lan khuyến cáo.
Theo Thanh Lương
VnExpress