TPHCM kiến nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước quan tâm tháo gỡ các vướng mắc

Q.Huy

(Dân trí) - Tại buổi làm việc với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thành ủy TPHCM cho biết địa phương đang đối mặt một số điểm nghẽn và cần có những cơ chế, giải pháp đột phá để thúc đẩy tăng trưởng.

Chiều 17/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì buổi làm việc của đoàn công tác Trung ương với Thành ủy TPHCM về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI từ đầu nhiệm kỳ đến nay; việc quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Báo cáo tại buổi làm việc, Thành ủy TPHCM cho biết, ngoài các kết quả tích cực đạt được thời gian qua, địa phương đang đối mặt với một số điểm nghẽn. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của TPHCM giảm dần trong những năm qua do các động lực tăng trưởng đang có vấn đề và cần phải có những cơ chế, giải pháp đột phá để thúc đẩy tăng trưởng.

TPHCM kiến nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước quan tâm tháo gỡ các vướng mắc - 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại buổi làm việc với Thành ủy TPHCM (Ảnh: Hoàng Hùng).

Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2024 và cả nhiệm kỳ này, thành phố đã tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Trong đó, UBND TPHCM đã ban hành Chỉ thị số 12 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tăng trưởng kinh tế TPHCM đến năm 2025.

Năm 2024, TPHCM phấn đấu đạt mức tăng trưởng GRDP ít nhất 7,5% và năm 2025 từ 8-8,5%. Tỷ trọng kinh tế số năm 2024 phấn đấu đạt 22% và năm 2025 là 25%.

TPHCM cũng phấn đấu đến cuối năm 2025, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) đạt trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

Hệ thống hạ tầng TPHCM và kết nối với các vùng lân cận chưa được đầu tư đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của thành phố và khu vực Đông Nam bộ.

TPHCM là đô thị đặc biệt nhưng vẫn gặp nhiều vướng mắc trong việc khai thác tiềm năng và lợi thế, dẫn đến việc không khơi dậy được sự năng động và sáng tạo cần thiết. Nhiều nguồn lực của Nhà nước và tư nhân chưa được đưa vào hoạt động kinh tế...

TPHCM kiến nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước quan tâm tháo gỡ các vướng mắc - 2

Ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM (Ảnh: Hoàng Hùng).

Theo Thành ủy TPHCM, khi những điểm nghẽn này được tháo gỡ trong nhiệm kỳ này thì nhiệm kỳ tới, TPHCM có cơ sở để lấy lại đà tăng trưởng 2 con số; tiếp tục giữ vị trí đầu tàu kinh tế, là cực tăng trưởng của cả nước.

Tại buổi làm việc, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, kiến nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm quan tâm chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy TPHCM phát triển hơn trong thời gian tới. 

Trong đó, TPHCM được rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền những vấn đề tồn đọng để giải quyết. Một số vấn đề cụ thể được nêu ra là các vụ việc liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng cổ phần thương mại Sài Gòn (SCB), dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng...

Chủ tịch UBND TPHCM cũng kiến nghị sửa đổi luật theo hướng "một luật sửa nhiều luật". Đồng thời, Trung ương cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương, đặc biệt là trong việc phối hợp giữa Trung ương và TPHCM để giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các vụ việc.

TPHCM kiến nghị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước quan tâm tháo gỡ các vướng mắc - 3

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, trình bày một số kiến nghị tại buổi làm việc (Ảnh: Hoàng Hùng).

Lãnh đạo TPHCM cũng mong muốn Trung ương tiếp tục quan tâm, cho phép TPHCM và cả vùng Đông Nam bộ là nơi thí điểm các cơ chế mới, đột phá, vượt trội để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và khoa học công nghệ để TPHCM là trung tâm kinh tế, là cực tăng trưởng để đóng góp cho kinh tế - xã hội của cả nước.

Năm 2025, TPHCM sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về thực hiện chính quyền đô thị. Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận, nghị quyết 131 chưa đủ mạnh để tháo gỡ khó khăn cho thành phố.

Do đó, khi sơ kết 5 năm, Chủ tịch UBND TPHCM kiến nghị cần cho TPHCM một nghị quyết đủ mạnh hơn. Về lâu dài, ông Phan Văn Mãi đề xuất Trung ương cho TPHCM nghiên cứu, đề xuất dự án Luật Đô thị đặc biệt TPHCM để có khung pháp lý đủ rộng, đủ mạnh.