1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

TPHCM: Khẩn cấp di dời dân Cần Giờ về nơi trú bão

(Dân trí) - Ngày 31/3, Phó chủ tịch UBND TP Lê Minh Trí đã chỉ đạo UBND huyện Cần Giờ khẩn cấp tổ chức ngay việc sơ tán, di dời dân ở xã đảo Thạnh An và các vùng nguy hiểm về nơi trú bão an toàn.

TPHCM: Khẩn cấp di dời dân Cần Giờ về nơi trú bão  - 1
Dự báo bão sẽ đổ bộ quét qua khu vực Bình Thuận - Bến Tre

Theo Văn phòng UBND huyện Cần Giờ, ngay sau chỉ đạo khẩn của UBND TP, huyện đã ban hành các lệnh di dời dân cư trên địa bàn huyện về nơi trú bão an toàn nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản cho người dân. Công tác di dời đã hoàn thành ngay trong ngày hôm nay, 31/3.

Đối tượng trọng điểm hỗ trợ di dời là người già, trẻ em, phụ nữ và người tàn tật. Theo kế hoạch, số hộ cần phải di dời trên toàn huyện là gần 4.000 hộ với trên 15.000 người. Khu vực di dời là các hộ dân ở các khu vực dân cư xung yếu, các hộ dân sống ven sông, biển, trong rừng phòng hộ, vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở, nhà đơn sơ không đảm bảo an toàn…

Địa bàn di dời dân bao gồm xã Thạnh An; một phần các hộ sống ven sông Lòng Tàu - xã Tam Thôn Hiệp; một phần các hộ sống tại khu vực cầu Bà Tổng, khu vực An Nghĩa - xã An Thới Đông; một phần các hộ sống ven sông Vàm Sát, Rạch Bà Năm, sông Soài Rạp - xã Lý Nhơn; một phần các hộ sống ven Tắt Sông Chà, khu vực ven sông Nhà Bè - xã Bình Khánh; các hộ dân sống ven biển xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh.

Riêng tại xã đảo Thạnh An, UBND huyện sử dụng 16 phương tiện tàu thuyền của dân; 11 phương tiện tàu, ca nô của các cơ quan và 25 chiếc xe tải, xe khách các loại để di dời 3.000 nhân khẩu về trung tâm huyện tránh bão.

Ngoài ra, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng thông tin khẩn cấp diễn biến cơn bão số 1 (Pakhar) đến du khách biết và yêu cầu du khách không tham quan, du lịch hoặc lưu trú tại địa bàn huyện Cần Giờ, nhanh chóng rời khỏi địa bàn huyện một cách an toàn.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TPHCM, hiện bão số 1 đang tiến về đất liền, hướng vào khu vực ven bờ từ tỉnh Bình Thuận đến Bến Tre. Dự báo đến 1h ngày 1/4, tâm bão chỉ còn cách bờ chừng 140km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Dự báo đến 13h ngày 1/4, bão số 1 sẽ tiến vào đất liền và có thể suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Tuy dự báo bão sẽ suy yếu nhưng TPHCM vẫn không chủ quan, chỉ đạo tất cả các ban ngành chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, nhân sự cho công tác ứng phó bão, tìm kiếm cứu nạn theo kế hoạch ứng phó đã định sẵn.

Dự báo vùng ven biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa Vũng Tàu từ đêm nay (31/3) gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Do đó, UBND TP cũng đã chỉ đạo cấm tất cả tàu thuyền ra khởi từ ngày 30/3. Tính đến ngày 31/3 chỉ còn 15 phương tiện công suất lớn (trên 90 CV) với hơn 200 thuyền viên hoạt động trên biển; trong đó 8 phương tiện đã có nơi neo đậu, 7 phương tiện còn đang hoạt động. Hiện các cơ quan chức năng đã liên hệ với các phương tiện trên nhanh chóng tìm nơi trú bão.

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm