TPHCM kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội, cam kết rút ngắn mọi thủ tục
(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM cam kết địa phương sẽ rút ngắn khâu chuẩn bị, thủ tục để rút ngắn thời gian thực hiện các dự án nhà ở xã hội và mong muốn doanh nghiệp cùng đồng hành, tham gia cùng địa phương.
Sáng 6/12, UBND TPHCM tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM đến năm 2030. Sự kiện do Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì với hơn 40 doanh nghiệp tham gia.
Tại hội nghị, TPHCM đã giới thiệu và kêu gọi đầu tư đối với 7 dự án nhà ở xã hội thuộc địa bàn quận 4, quận 12 và TP Thủ Đức. Các dự án hướng tới mục tiêu xây dựng 93.000 căn hộ nhà ở xã hội tại TPHCM đến năm 2030.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ, việc phát triển nhà ở xã hội là vấn đề không mới, nhưng địa phương thực hiện chưa tốt trong thời gian qua. Lãnh đạo thành phố đã nhận được nhiều góp ý từ doanh nghiệp, hiệp hội nhưng kết quả thực tế chưa đạt mong muốn.
"Từ hội nghị này, TPHCM cam kết quyết tâm, tập trung cao độ để làm tốt việc phát triển nhà ở xã hội từ quy hoạch, chuẩn bị đất đai, kết nối hạ tầng, chính sách theo quy định, đặc biệt phối hợp giải quyết thủ tục", Chủ tịch TPHCM khẳng định.
Ông Phan Văn Mãi yêu cầu các cấp chính quyền, sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ để rút ngắn thời gian thực hiện dự án nhà ở xã hội. Địa phương hướng tới mục tiêu chuẩn bị dự án trong 6 tháng và khởi công, hoàn thành dự án trong vòng 1 năm.
Lãnh đạo TPHCM mong muốn các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội mới phối hợp chặt chẽ để làm nhanh, làm đúng các phần việc. Đối với các dự án dang dở, chủ đầu tư cần rà soát và hoàn thiện trong thời gian sớm nhất.
"Rất nhiều dự án nhà ở thương mại trên địa bàn chỉ làm xong một phần, người dân nói là phần thịt nạc, phần ngon đã chế biến, xử lý xong và chừa lại phần còn lại. TPHCM đang chỉ đạo rà soát và có biện pháp cứng rắn, sẽ có phong tỏa, cưỡng chế và cả xử lý trách nhiệm", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính quyền thành phố thông tin, qua khảo sát, địa phương còn khoảng 46.000 hộ dân sống ven kênh, rạch cần di dời. Người dân cần được tiếp cận với quỹ nhà hiện có và một số lượng nhà mới.
"Chúng tôi kêu gọi hiệp hội, doanh nghiệp cùng tham gia. Các bên có thể trích một phần lợi nhuận, hưởng lợi nhuận ít hơn nhưng cùng đóng góp trách nhiệm với xã hội", ông Phan Văn Mãi bày tỏ.