1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM hướng dẫn người dân đối phó với bão số 10

(Dân trí) - Trước nguy cơ bão số 10 đổ bộ vào Nam Trung bộ và Nam bộ, BCH Phòng chống lụt bão TPHCM đã đưa ra những hướng dẫn cụ thể giúp người dân chủ động phòng tránh cơn bão có tên “bầu trời đỏ” mạnh cấp 8, cấp 9 này.

Người dân cần chủ động ứng phó 

Nếu người dân đang ở trong nhà kiên cố thì nên có biện pháp bịt kín cửa và các khe cửa. Phải đóng kín cửa để tránh gió thổi tốc vào nhà, cửa càng kín gió thì chống bão càng tốt. Nhà kiên cố vẫn có thể bị tàn phá, cho dù không bị sập. (* Tham khảo cách chằng chống nhà theo các hình phía dưới).

Tuyệt đối không ra ngoài khi có mưa to, gió mạnh để tránh bị cây ngã đổ đè lên người, gió quật ngã hay tôn bay chém vào người. Cần chú ý, khi tâm bão, áp thấp nhiệt đới đến thì gió và mưa ngừng hẳn, trời quang mây tạnh, nhưng ngay sau đó gió, mưa lại nổi lên với hướng ngược lại, vì vậy sau vài giờ bão, áp thấp nhiệt đới đi qua mới nên rời khỏi nhà. 

Nếu bà con đang ở trong nhà không kiên cố, nên chủ động sơ tán đến các nhà kiên cố, các công trình công cộng kiên cố như trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… để trú ẩn; tuyệt đối không ở lại trên các chòi canh, lồng bè nuôi trồng hải sản; nếu có đào hầm trú ẩn thì phải nhanh chóng sơ tán xuống hầm. 

Nếu bà con đang đi trên đường mà bão đến thì nhanh chóng chọn một nơi an toàn như trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa… để trú ẩn; tránh núp dưới bóng cây, nhà tạm bợ, những nơi có nhiều bảng hiệu quảng cáo… dễ gây tai nạn. 

Trong tình hình bão diễn biến phức tạp, bà con nên dự trữ thức ăn, nước uống cho gia đình tối thiểu 7 đến 10 ngày. Chuẩn bị các loại đảm bảo ánh sáng như đèn dầu, đèn pin, hộp gaz, nến sáp… Vì khi bão, áp thấp nhiệt đới đến ảnh hưởng có thể gây mất điện. Chuẩn bị thuốc chữa bệnh thông thường để sử dụng; vì bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ sẽ gây mưa to, có thể gây ngập lụt làm nguồn nước bị ô nhiễm gây dịch bệnh… 

Bà con nông dân cũng nên chủ động thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm nuôi trồng thủy, hải sản trước khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ để giảm thiểu thiệt hại. Người dân cũng cần chủ động giằng chống nhà cửa cho vững chắc hơn. 

Nghiêm cấm các phương tiện hoạt động trên sông, kênh, rạch từ 18 giờ ngày 17/11 đến khi Bão số 10 đi qua. 

TPHCM lên phương án di dân, khẩn trương chống bão

BCH PCLB TPHCM đã ra công điện yêu cầu tất cả các ban ngành vào chế độ trực bão. Theo đó, tổng số người, số hộ dân cần phải di dời, sơ tán khi bão đổ bộ vào thành phố là 167.142 hộ dân với 667.017 người.

Trong trường hợp do ảnh hưởng của bão, mưa lớn kết hợp với triều cường, xả lũ làm nước dâng cao, gây ngập nặng và có khả năng sạt lở bờ sông thì tổng số người, số hộ dân cần phải di dời, sơ tán là 4.644 hộ dân với 19.556 người. 

Phương án chủ yếu là di dời dân từ nhà kém kiên cố sang nhà kiên cố, hoặc di dời đến địa phương lân cận. Các quận - huyện ven sông (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Nhà Bè và các sông lớn khác), quận - huyện có nguy cơ sạt lở cao (huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh, quận 2…) cần chú ý vấn đề này.

Đêm qua, TP cũng đã có công điện yêu cầu các quận huyện cần bố trị lực lượng hướng dẫn và trợ giúp nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, di dời tránh bão; yêu cầu tàu bè vào nơi trú ẩn, lên kế hoạch di dời dân ở xã đảo Thạnh An và các hộ dân vùng nguy hiểm vào đất liền; các sở ban ngành y tế, PCCC, GTVT, lực lượng quân đội… túc trực 24/24, khẩn trương ứng phó với mọi tình huống.

Diễn biến cơn bão số 10 hết sức phức tạp

 

Đêm qua (16/11), bão số 10 đã dịch chuyển lên phía Bắc một ít. Hồi 4 giờ sáng nay, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Khánh Hoà - Bình Thuận khoảng 320km về phía Đông Đông Nam. 

 

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 10 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Khoảng tối và đêm nay, vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh từ Khánh Hoà đến Bà Rịa - Vũng Tàu. 

 

Đến 4 giờ ngày 18/11, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11. Tính từ tâm bão vùng bán kính gió mạnh từ cấp 6 trở lên khoảng 200 km.

 

 

 

 

 

 

 

 

(*) Người dân có thể tham khảo một số cách bịt cửa, chằng chống nhà theo cách gợi ý của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão TPHCM:  

TPHCM hướng dẫn người dân đối phó với bão số 10 - 1
Một số biện pháp cài cửa, đóng kín cửa 

TPHCM hướng dẫn người dân đối phó với bão số 10 - 2

Chằng chống nhà đối với nhà mái lá

TPHCM hướng dẫn người dân đối phó với bão số 10 - 3

Chống tốc mái tôn, fibro xi măng bằng bao cát

TPHCM hướng dẫn người dân đối phó với bão số 10 - 4

Chằng chống nhà đối với nhà mái tôn, fibro xi măng

TPHCM hướng dẫn người dân đối phó với bão số 10 - 5

  Chằng chống nhà đối với nhà mái ngói.

  
Tùng Nguyên