1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM: Hơn 3.500 tỷ đồng xây dựng cầu Bình Tiên

(Dân trí) - Sau 5 năm “trễ hẹn”, dự án xây cầu đường Bình Tiên băng qua đại lộ Đông Tây, kênh Tàu Hủ dự kiến được khởi công vào cuối năm nay, với tổng vốn đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng.

Theo quyết định lựa chọn nhà đầu tư được UBND TPHCM phê duyệt, dự án xây cầu đường Bình Tiên được chia làm 2 đoạn, thực hiện từ năm 2016 đến 2020, theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao).

Dự án bắt đầu từ nút giao đường Bình Tiên - Phạm Văn Chí hiện hữu (quận 6) đi theo đường Bình Tiên rồi vượt qua đường Võ Văn Kiệt, giao với đường Tạ Quang Bửu
Dự án bắt đầu từ nút giao đường Bình Tiên - Phạm Văn Chí hiện hữu (quận 6) đi theo đường Bình Tiên rồi vượt qua đường Võ Văn Kiệt, giao với đường Tạ Quang Bửu

Đoạn thứ nhất từ đường Phạm Văn Chí (quận 6) đến Tạ Quang Bửu (quận 8) dài 1,3km do liên danh gồm 2 công ty đầu tư sẽ xây cầu vượt kênh Tàu Hủ, kênh Đôi với vốn khoảng 2.605 tỷ đồng (đền bù giải phóng mặt bằng 925 tỷ đồng).

Trong đó, phần cầu Bình Tiên vượt kênh dài hơn 900m góp phần giảm áp lực giao thông trên đường Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh và giảm bớt tình trạng quá tải cho cầu Chà Và (nối quận 5 và quận 8).

Đoạn thứ hai từ đường Tạ Quang Bửu (quận 8) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) dài gần 1,9km do liên danh khác đầu tư với vốn hơn 900 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng khoảng 200 tỷ).

Theo UBND TP, vào năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho TPHCM quyết định hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Tháng 12/2011, UBND TP đã phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng cầu đường Bình Tiên, với tổng mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng công trình). Theo kế hoạch, dự án cầu đường Bình Tiên khởi công năm 2011 và hoàn thành năm 2014.

Tuy nhiên, do khó khăn trong việc bố trí ngân sách thành phố thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án và tạo quỹ đất sạch để thanh toán cho nhà đầu tư nên dự án chưa thể triển khai theo kế hoạch. Như vậy, tính đến nay dự án cầu đường Bình Tiên đã chậm tiến độ 5 năm.

Để giảm ùn tắc cho khu Nam Sài Gòn, UBND TP cũng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây cầu Nguyễn Khoái - nối khu quận 7 với quận 4. Nguyễn Khoái là cầu thứ hai bắc qua kênh Tẻ có nhiệm vụ “chia lửa” với cầu Kênh Tẻ hiện đang quá tải. Dự án có tổng chiều dài khoảng 1km, trong đó cầu dài 346m. Dự kiến, dự án được khởi công trong năm 2017 và hoàn thành sau 18 tháng.

Đầu tư 9.500 tỷ đồng mở rộng quốc lộ 22

Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 theo hình thức BOT nêu trên vừa được UBND TPHCM gửi Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Tây Ninh. Tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 9.500 tỷ đồng, trong đó kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 2.550 tỷ đồng.

Tuyến quốc lộ 22 dài 58 km nối TPHCM với tỉnh Tây Ninh, đi Campuchia sẽ được nâng cấp, mở rộng
Tuyến quốc lộ 22 dài 58 km nối TPHCM với tỉnh Tây Ninh, đi Campuchia sẽ được nâng cấp, mở rộng

Quốc lộ 22 dài 58km là tuyến đường độc đạo nối TPHCM với tỉnh Tây Ninh, đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Nam bộ đi Campuchia và các nước trong khối ASEAN qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát.

Theo UBND TPHCM, việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22 là cấp thiết và cần sớm triển khai thực hiện, bởi tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Trước đó, TPHCM cũng đã phê duyệt dự án xây dựng hầm chui tại nút giao thông An Sương (quận 12 – huyện Hóc Môn), với tổng mức đầu tư 514 tỷ đồng.

Ngã tư An Sương với áp lực giao thông rất lớn đã trở thành một trong những “điểm đen” về ùn tắc giao thông của thành phố trong nhiều năm qua.

Quốc Anh