1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM "hồi sinh" được kênh Nhiêu Lộc hôi thối, Tô Lịch ở Hà Nội thì sao?

Nguyễn Trường

(Dân trí) - "Tại sao TPHCM cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tốt như vậy? Hà Nội có làm được như thế và cần phải làm như thế không?" - Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng nêu câu hỏi.

TPHCM hồi sinh được kênh Nhiêu Lộc hôi thối, Tô Lịch ở Hà Nội thì sao? - 1

Quang cảnh buổi tọa đàm "Tương lai nào cho sông Tô Lịch" được tổ chức sáng 18/3 (Ảnh: Môi trường và Đô thị).

Sáng 18/3, Chuyên trang Quản lý Môi trường thuộc Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề "Tương lai nào cho sông Tô Lịch?".

Buổi tọa đàm tập trung vào 3 vấn đề chính nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với sông Tô Lịch (TP Hà Nội) gồm: Xử lý, khôi phục dòng mặt nước; bùn lắng đọng và hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, sản xuất không cho đổ vào sông này.

Chia sẻ dưới góc độ lịch sử, GS Sử học Lê Văn Lan đưa ra nhiều thông tin quý giá về sông Tô Lịch trong 2000 năm qua; vị trí của dòng sông trong quá trình hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội; những giải pháp cụ thể để khôi phục dòng sông.

"Vấn đề của sông Tô Lịch không chỉ là ô nhiễm mà còn liên quan đến dòng chảy, nguồn nước. Sông là phải chảy nhưng mặt sông Tô Lịch hiện phẳng lặng như gương còn dòng chảy thì chỉ thấy ở cửa cống" - GS Lan nói.

TPHCM hồi sinh được kênh Nhiêu Lộc hôi thối, Tô Lịch ở Hà Nội thì sao? - 2

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, sông Tô Lịch tiếp nhận nước mưa và nước thải của lưu vực 77,5km2. Mỗi ngày tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt, khu công nghiệp (Ảnh: Nguyễn Dương).

Theo GS TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, để cải tạo, khôi phục dòng sông Tô Lịch, UBND TP Hà Nội cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch 725, trong đó đưa một phần nước thải lưu vực S3 về nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây và đưa nội dung thu gom, xử lý nước thải phân tán bảo đảm quy chuẩn môi trường trước khi xả vào sông.

Đồng thời, cần thực hiện dự án bổ cập nước sạch cho sông Tô Lịch và các sông hồ nội đô khác có kết hợp với các công trình cảnh quan, vui chơi giải trí trên mặt nước.

Xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng nước và chế độ thủy văn của sông Tô Lịch và sông hồ nội đô để kịp thời điều chỉnh lưu lượng nước bổ cập, kiểm soát hoạt động các nhà máy và công trình xử lý nước thải xả vào sông. Xây dựng chế tài bảo vệ môi trường sông Tô Lịch và sông hồ nội đô.

Cùng chung quan điểm nêu trên, theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội kiến trúc sư Việt Nam - cần phải quy hoạch cải tạo dòng sông Tô Lịch đang bị ô nhiễm như hiện nay thành dòng sông thoát nước mưa. Bên cạnh đó, cần có giải pháp bổ cập nước thường xuyên cho dòng sông. Tiếp tục thực hiện việc cống hóa hai bên dòng sông để thu nạp nước thải và quy hoạch cảnh quan kiến trúc hai bên dòng sông.

"Tại sao TPHCM cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tốt như vậy rồi làm tiếp 2 con đường tạo cảnh quan...? Đây là ưu việt của TPHCM. Vậy Hà Nội có làm được như thế và cần phải làm như thế không?" - ông Tùng nêu câu hỏi.

Bơi thỏa thích, tổ chức đua thuyền trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Cách đây vài chục năm, Nhiêu Lộc - Thị Nghè được mệnh danh là "dòng kênh thối nhất Sài Gòn". Do yếu tố lịch sử mà hệ thống cống thoát nước của lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhận cả nước thải sinh hoạt và nước mưa rồi đưa thẳng ra kênh. Do đó, nước kênh bị ô nhiễm, hôi thối và có màu đen "truyền thống".

Từ năm 2003, TP triển khai dự án Vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, áp dụng biện pháp xây dựng hệ thống cống bao đường kính 2.500mm - 3.000mm dọc bờ kênh, sau đó thu toàn bộ nước thải và nước mưa về đây, dẫn về các giếng tách dòng.

Trong mùa khô, tất cả nước thải sẽ được dẫn thẳng về trạm bơm rồi từ đây bơm về các nhà máy xử lý nước thải. Tại nhà máy xử lý, nước thải sẽ được lắng lọc cho ra loại nước đạt tiêu chuẩn (có thể dùng trong sinh hoạt) rồi đổ lại ra kênh.

Vài năm trở lại đây, khi dòng kênh trở lên trong xanh, người dân địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động như đua thuyền, các hoạt động dưới nước vào cuối tuần…