1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM: Hoàn tất phương án bảo tồn Thương xá Tax

(Dân trí) - Những hạng mục, nét kiến trúc độc đáo bên trong và ngoài của trung tâm thương mại lâu đời nhất Sài Gòn – Thương xá Tax được giữ lại và tích hợp trong công trình mới.

Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra – đơn vị chủ quản Thương xá Tax) vừa gửi đến các sở, ngành thành phố phương án bảo tồn trung tâm thương mại lâu đời nhất tại Sài Gòn. Thương xá Tax sẽ được bảo tồn cả hạng mục, nét kiến trúc độc đáo bên trong và ngoài tòa nhà.

Cảnh quan và những nét kiến trúc độc đáo của Thương xá Tax sẽ được tích hợp trong công trình mới, phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm ngưỡng của người dân thành phố và khách du lịch.
Cảnh quan và những nét kiến trúc độc đáo của Thương xá Tax sẽ được tích hợp trong công trình mới, phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm ngưỡng của người dân thành phố và khách du lịch.

Về phương án bảo tồn bên ngoài, khối bệ cao 6 tầng với 3 tầng bên dưới được thiết kế mô phỏng các đường nét, nhịp điệu của kiến trúc ban đầu. Trên nóc tầng 3 ở góc đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ có một mái vòm với hoa văn gợi lại hình ảnh của tòa nhà Grands Magasins Charner (GMC – tên của Thương xá Tax lúc khánh thành năm 1924 đến năm 1960). Ba tầng trên của khối bệ được thiết kế theo phong cách mới nhưng vẫn hài hòa với các tầng thấp, đồng thời là yếu tố chuyển tiếp lên khối tháp có kiến trúc hiện đại.

Lúc này, tổng thể tòa nhà là một công trình hiện đại, đáp ứng tất cả các yêu cầu về thẩm mỹ và công năng của đô thị mới song vẫn hài hòa với phong cách kiến trúc cổ của các tòa nhà trong khu vực như: Tòa nhà UBND TP, khách sạn Rex, Nhà hát thành phố. Quan trọng nhất là vẫn giữ được hình ảnh ban đầu của tòa nhà GMC.

Đối với phương án bảo tồn bên trong công trình, về kiến trúc, mặt bằng tầng trệt là nơi tập trung các hạng mục cần bảo tồn như: cầu thang chính khảm gạch mosaic với tay vịn, lan can, biểu tượng con trống, quả cầu bằng đồng, không gian thông tầng sảnh chính và các thảm gạch mosaic ở 2 lối vào.

Trong công trình mới, ở tầng trệt tại khu vực tòa nhà ban đầu, các hạng mục bảo tồn gần như được giữ nguyên ở vị trí cũ. Các lối vào với thảm gạch mosaic được bảo tồn. Cầu thang chính được khôi phục và bố trí đối diện lối vào đường Nguyễn Huệ với không gian thông lên tầng 2 gồm: lan can, tay vịn và các chi tiết trang trí trang trí gốc thời kỳ đầu.

Cầu thang tại khu vực sảnh chính là là điểm nhấn của Thương xá Tax với kiến trúc độc đáo.
Cầu thang tại khu vực sảnh chính là là điểm nhấn của Thương xá Tax với kiến trúc độc đáo.

Theo Satra, công việc bảo tồn chính trong Thương xá Tax chủ yếu là nhằm giữ lại hình ảnh các hoa văn bằng gạch mosaic của công trình cũ, khó khăn nhất là cầu thang chính. Việc khảo sát hiện trạng gạch mosaic là công tác đầu tiên của sự chuẩn bị cho quá trình bảo tồn để có những đánh giá đúng về các phương án, cách thức bảo tồn, nhân lực, nguồn kinh phí cũng như các vấn đề liên quan khác để lựa chọn phương án tối ưu.

Sau khi khảo sát sơ bộ hơn 1 năm qua, Satra đã chọn phương án bóc tách toàn bộ gạch mosaic trên cầu thang, diềm trang trí, các lối vào và lắp đặt lại trên kết cấu mới. Đây là phương án đã được áp dụng phổ biến trong việc bảo tồn gạch mosaic trên thế giới.

Các chi tiết lan can cầu thang và lầu 1 như tay vịn, lá nguyệt quế, chữ đồng, lá đồng, con gà, quả châu, cùng khung sườn lan can… sẽ được phục chế và chế tác. Sau đó, các chi tiết này được đóng gói, đánh ký hiệu, lưu kho chờ đến thời điểm lắp đặt, phục dựng trong kết cấu mới tương thích. Mọi dữ liệu bảo tồn sẽ được thu thập trong suốt quá trình bảo tồn dưới dạng bản vẽ, bản ảnh và nhật ký.

Satra sẽ dựa vào hệ thống thông tin, dữ liệu và các cơ sở khoa học đã được nghiên cứu để tổ chức lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm thực hiện theo quy định.

Kế hoạch bảo tồn Thương xá Tax sau khi được các sở, ngành thành phố đóng góp ý kiến sẽ trình UBND TP xem xét, phê duyệt.

Quốc Anh

TPHCM: Hoàn tất phương án bảo tồn Thương xá Tax - 3