1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM: Hạnh phúc là khi có chỗ... giải quyết nỗi buồn

(Dân trí) - Giới tài xế taxi vẫn than phiền rất nhiều về tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng ở TPHCM. Bởi thế, giới tài xế taxi thành phố hay đùa với nhau rằng: “Hạnh phúc nhất đối với tài xế là có chỗ đậu và có chỗ… giải quyết nỗi buồn”.

Mỗi ngày TPHCM đón cả chục ngàn du khách nước ngoài, hàng trăm ngàn khách ngoại tỉnh vãng lai nhưng lượng nhà vệ sinh công cộng trên đường phố lại quá ít nên nảy sinh nhiều phiền lụy.
 
Bí quá phải “tè”… vào chai

Cuối năm 2012, cộng đồng mạng bàn tán xôn xao về hình ảnh Taxi Vinasun xếp hàng dài dưới cầu Mống để tài xế ghé vào chân cầu… “tè bậy”. Hình ảnh phản cảm này nhanh chóng lan rộng và cộng đồng mạng phản ứng dữ dội. Sau phản ánh này, hãng Taxi Vinasun đã chấn chỉnh trong toàn công ty, phát đến toàn thể tài xế thông điệp gay gắt: “Hãy tự đặt mình vào vị trí cư dân địa phương để không thể đồng tình với hình vi phản cảm như trong tấm ảnh dưới đây”.

Tấm hình gây xôn xao mà một cư dân mạng ghi nhận được về hình vi phản cảm (ảnh: internet)
Tấm hình gây xôn xao mà một cư dân mạng ghi nhận được về hình vi phản cảm (ảnh: internet)

Dù hãng Vinasun cho là “không thể vin vào cớ thiếu nhà vệ sinh công cộng để biện minh cho hành vi đáng xấu hổ kia” để tuyên truyền nhân viên giữ gìn ý thức chung, nhưng thực tế giới tài xế taxi than phiền rất nhiều về tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng ở TPHCM. Bởi thế, giới tài xế taxi thành phố hay đùa với nhau rằng: “Hạnh phúc nhất đối với tài xế là có chỗ đậu và có chỗ… giải quyết nỗi buồn”.

Một tài xế lớn tuổi của hãng Vinasun cho biết kinh nghiệm của anh là khi chớm “nỗi buồn”, anh chủ động giải quyết ngay bằng cách tìm cây xăng để xin đi nhờ, thậm chí là phải ghé vào quán nước nào đó để giải quyết dù biết là phải tốn tiền nước. Anh còn cho biết là có nhiều tài xế chuẩn bị sẵn chai nước không trên xe để nếu trong trường hợp bí quá, không tìm ra chỗ đi thì núp trong xe “xả” vào chai…

Một tài xế khác kể: “Có lúc đang chở khách nước ngoài mà họ có nhu cầu đi vệ sinh tôi cũng chẳng biết tìm đâu ra nhà vệ sinh công cộng để chở họ đến. Nhiều lúc phải ghé đại vào quán nước nào đó rồi dẫn khách vào đi nhờ”.

“Cầu” nhiều mà “cung” ít

Theo báo cáo kinh tế xã hội tháng 5/2013 của TPHCM, chỉ riêng trong tháng 5/2013 đã có gần 290.000 khách du lịch quốc tế đến thành phố, tức là mỗi ngày có gần 10.000 du khách quốc tế đến đây.

Thế nhưng, trên cả thành phố chỉ có gần 300 nhà vệ sinh công cộng, chủ yếu lại nằm trong các khu công viên, còn nhà vệ sinh trên đường phố thì rất hiếm. Ngay tại khu trung tâm cũng chỉ có thể đếm ra vài nhà vệ sinh công cộng trên vỉa hè như ở gần bệnh viện Nhi Đồng 2, ngã tư Điện Biên Phủ - Phùng Khắc Khoan, gần bệnh viện Từ Dũ… Do đó, thiếu nhà vệ sinh công cộng là bức xúc không nhỏ đối với du khách.

Cũng chính vì thiếu nhà vệ sinh công cộng nên vỉa hè các tuyến đường lớn ngay khu trung tâm đông đúc như Tôn Đức Thắng, Võ Văn Kiệt, Hoàng Sa… vẫn thường xuyên xuất hiện cảnh người dân ghé sát vào tường, ven kênh để… tiểu tiện.

Mấy tháng qua, người dân sống quanh chợ Thị Nghè, phường 19, quận Bình Thạnh cũng phản ánh nhiều về tình trạng nhiều người đi đường và bán hàng rong tùy tiện tiêu tiểu ngay tại khu vực Bia ghi công chiến thắng Thị Nghè dưới chân cầu Thị Nghè. Có người còn đứng trên đường ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè rồi “tè” thẳng xuống kênh.

Tấm hình gây xôn xao mà một cư dân mạng ghi nhận được về hình vi phản cảm (ảnh: internet)
Những khu vực vắng vẻ như khu Bia ghi công chiến thắng Thị Nghè biến thành… nhà vệ sinh công cộng của người đi đường

Một thanh niên bán xe đẩy trái cây gần ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Nguyễn Đình Chiểu cũng xấu hổ cho biết: “Nếu có nhà vệ sinh công cộng gần đây thì ai lại chẳng vào đó vệ sinh cho tiện, mất một hai ngàn có đáng bao nhiêu. Đằng này quanh đây có cái nhà vệ sinh công cộng nào đâu…”.

Chị bán nước trên vỉa hè đường Trường Sa gần chân cầu Thị Nghè cho biết: “Mấy hàng quán vỉa hè thì thường đặt mối quan hệ với nhà dân gần nơi mình bán để xin nước và đi nhờ nhà vệ sinh. Nhưng những người bán hàng rong thì khó lắm. Mà ở thành phố này thì có biết bao nhiêu người bán hàng rong…”.

Chính vì thực tế trên, cuối tháng 5/2013, UBND TP đã ra văn bản chỉ đạo các sở ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các khu, điểm du lịch; phấn đấu đến hết năm nay, hoàn thành việc xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn trên địa bàn thành phố.

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm