1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

TPHCM: Hàng rong bẩn sẽ bị phạt nặng

(Dân trí) - Bộ Y tế vừa đưa ra 10 tiêu chuẩn buộc những người bán hàng rong phải tuân thủ. Theo đó, hàng rong, nếu không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, dứt khoát sẽ bị xử phạt nặng hoặc cấm kinh doanh.

Ngày 17/4, Sở Y tế TPHCM đã tổ chức cuộc hội thảo “Hàng rong, thực trạng và giải pháp quản lý” nhằm tìm ra phương cách quản lý thích hợp đối với thức ăn đường phố, để người bán duy trì được cuộc sống hàng ngày và người mua cũng được an toàn về sức khỏe.

TS Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở cho biết: “Thành phố chủ trương duy trì hàng rong trên đường phố, nhưng vì hàng rong không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), do đó cần phải cải thiện điều kiện buôn bán để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng (NTD). Trong đó, biện pháp quản lý là 1 bài toán cực kỳ khó, cần có sự tham gia đóng góp của toàn dân”. 

Thực tế, hàng rong chủ yếu tập trung trước cổng bệnh viện, tại bến xe, hay cổng trường học. Ngoài ra những người bán đa số là nữ, thuộc thành phần nghèo,văn hóa thấp, và thiếu kiến thức về xử lý an toàn thực phẩm. Quận 6 và Huyện Hóc Môn là 2 quận thí điểm cho việc quản lý hàng rong, để từ đó có thể đưa ra những mô hình nhân rộng trên toàn thành. 

Vì khả năng ô nhiễm do vi sinh vật, hóa học và vật lý học rất dễ xảy ra trong điều kiện đường phố do đó cần giáo dục, tuyên truyền cho những người có liên quan đến thức ăn đường phố, cải thiện các điều kiện môi trường buôn bán và cung cấp những dịch vụ cơ bản để giúp những người buôn bán thức ăn đường phố đảm bảo an toàn cho hàng hóa của họ. 

Ngoài ra, Ông Giang còn yêu cầu các cơ quan giám sát cần chú ý đến nơi  chế biến, sản xuất thức ăn. 

Ông Nguyễn Xuân Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế Công cộng, nhận định: “Không chỉ bị xử phạt nặng từ phía các cơ quan nhà nước, việc người tiêu dùng tẩy chay những loại thực phẩm không bảo đảm vệ sinh cũng sẽ góp phần đưa hàng rong đi vào kỷ cương bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.” 

Đối với việc xử phạt, các cơ quan quản lý y tế địa phương đều cho rằng sẽ gặp khó khăn khi áp dụng, vì nhân lực hiện rất thiếu.  

Ngoài ra nhiều ý kiến cũng yêu cầu nên rút ngắn 10 quy định tiêu chuẩn cho các người bán, nên tập trung vào các yếu tố như nghiêm cấm việc sử dụng nước bẩn cho công việc rửa dụng cụ chứa đựng thức ăn, hay nghiêm cấm dùng tay trần bốc thức ăn. 

Theo quy định của BYT về tiêu chuẩn cơ sở đạt vệ sinh an toàn thức ăn đường phố, người bán cần hội đủ 10 điều sau:

 

1. Phải đảm bảo đủ nước sạch.

 

2. Không để lẫn thức ăn sống-chín và có vật dụng riêng cho từng loại.

 

3. Nơi chế biến thực phẩm phải sạch và cách xa nguồn ô nhiễm.

 

4. Người chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ.

 

5. Nhân viên có tạp dề- khẩu trang-mũ khi bán hàng.

 

6. Không sử dụng phụ gia và phẩm màu không được phép.

 

7. Thức ăn phải được bày trên giá cao ít nhất là 60 cm.

 

8. Thức ăn phải được bày bán trong tủ kính.

 

9. Thức ăn phải được bao gói hợp vệ sinh.

 

Trong một điều tra của Trung tâm dinh dưỡng TPHCM cho thấy các điều 1, 4, 5 có đến 100% cơ sở hàng rong vi phạm; Với điều 10 có đến 60% cơ sở vi phạm và các điều 2 và điều 8 có đến gần phân nửa số cơ sở vi phạm.

Ngọc Thanh 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm