1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM giải trình việc chỉ định thầu trong các dự án BOT, BT sai phạm

(Dân trí) - Đối với dự án đường kết nối vào cầu Phú Mỹ, UBND TPHCM cho rằng trong lúc cầu đã xây xong mà TP chưa có tiền làm đường dẫn. Vì vậy, TPHCM quyết định chọn nhà đầu tư xây cầu Phú Mỹ bỏ thêm tiền làm đường rồi cho kéo dài thời gian thu phí. Nếu cho một nhà đầu tư khác vào làm đường và phải đặt 2 trạm thu phí (cầu – đường) thì rất khó xử lý.

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8 mới đây, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan dành khá nhiều thời gian để chia sẻ với báo chí kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ về sai phạm hơn 2.100 tỷ đồng của 6 dự án BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao), BT (xây dựng – chuyển giao) trên địa bàn thành phố.

Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan
Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan

Theo ông Hoan, 2 vấn đề mấu chốt trong kết luận thanh tra là đấu thầu – chỉ định thầu và số tiền sai phạm. Ông Hoan cho rằng trong quá trình làm dự án, đặc biệt là chỉ định thầu thì TPHCM đã tuân thủ pháp luật, vận dụng pháp luật, xem xét từng trường hợp cụ thể để giải quyết và cân nhắc rất kỹ.

Tại dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ thực hiện theo hình thức BT với tổng mức đầu tư 1.440 tỷ đồng, do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm nhà đầu tư, Thanh tra Chính phủ phát hiện UBND TPHCM không thực hiện việc xây dựng và công bố danh mục dự án xây dựng để kêu gọi đầu tư là vi phạm quy định.

“UBND TPHCM có văn bản về việc chấp thuận chủ trương giao Công ty Cổ phần BOT cầu Phú Mỹ tổ chức đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BT mà không tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng là vi phạm Nghị định 78/2007”- kết luận chỉ rõ.

Cũng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, hợp đồng BT được ký kết quy định lợi nhuận nhà đầu tư được trả bằng quỹ đất để xây dựng dự án. Tuy nhiên, do không giao quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án và cũng không có quy định cụ thể giá trị lợi nhuận nhà đầu tư được hưởng nên nhà đầu tư đề nghị quyết toán giá trị lợi nhuận trên 383,6 tỷ đồng vào hồ sơ quyết toán là không có cơ sở.

Dự án cầu Phú Mỹ, đường kết nối cầu Phú Mỹ là 1 trong 6 dự án BOT, BT sai phạm tại TPHCM (ảnh Đình Thảo)
Dự án cầu Phú Mỹ, đường kết nối cầu Phú Mỹ là 1 trong 6 dự án BOT, BT sai phạm tại TPHCM (ảnh Đình Thảo)

Ông Võ Văn Hoan cho rằng, dự án đường Phú Mỹ gắn liền với cầu Phú Mỹ (do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm nhà đầu tư theo hình thức BOT).

Dự án cầu Phú Mỹ được Trung ương chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, sau khi làm xong cầu mà thành phố chưa có tiền để làm đường kết nối. Do đó, TPHCM đã vận dụng pháp luật và xem xét trường hợp cụ thể để chỉ định thầu và giao nhà đầu tư cầu Phú Mỹ xây dựng đường kết nối vào cầu.

Ông Hoan giải thích rằng nếu kêu gọi một nhà đầu tư khác vào làm đường thì sẽ gây khó khăn trong việc thu phí.

“Mình kêu một ông nữa vào làm thì thu phí làm sao. Chẳng lẽ đặt một trạm thu phí đường, một trạm thu phí cầu. Do đó, TP quyết định chỉ định thầu để cho nhà đầu tư bỏ thêm tiền phát huy hiệu quả công trình và cho kéo dài thời gian thu phí”, ông Hoan nói.

Người phát ngôn chính quyền TPHCM cho rằng lãnh đạo TP rất cân nhắc mới quyết định như vậy. Ông Hoan viện dẫn khoản 2 Điều 11 của Nghị định 78/2007/NĐ-CP và khẳng định TP đã chỉ định thầu đúng chứ không sai.

Trước khi có kết luận thanh tra, UBND TPHCM đã có 3 lần giải trình và ông Hoan cho rằng: “Cũng có một số nội dung Thanh tra Chính phủ tiếp thu, lắng nghe và điều chỉnh nhưng phần lớn giải trình của TPHCM không được tiếp thu thấu đáo”.

Đối với dự án cầu Bình Triệu 2, Thanh tra Chính phủ kết luận rằng UBND TPHCM không thực hiện xây dựng và công bố danh mục để kêu gọi đầu tư là vi phạm Nghị định 78/2007/NĐ-CP. Thay vào đó, UBND TPHCM chọn Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) làm chủ đầu tư.

UBND TPHCM cho rằng, dự án này là công trình chuyển tiếp, trước đây giao cho Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) thực hiện theo hình thức BOT. Sau này, Thủ tướng có công văn chấp thuận cho TPHCM chấm dứt hợp đồng với Cienco 5 và điều chỉnh dự án theo quy định.

Theo UBND TPHCM, CII nhanh chóng ứng trước khoản tiền cho UBND TPHCM hoàn trả kinh phí Cienco 5 đã đầu tư và được phép triển khai thực hiện dịch vụ thu phí hộ để hoàn vốn cho khoản tiền đã ứng trước.

Ngoài ra, kết luận thanh tra chỉ ra rằng UBND TPHCM có văn bảnh điều chỉnh BOT cầu đường Bình Triệu 2, trong đó chấp thuận cho CII làm chủ đầu tư mà không tổ chức đấu thầu rộng rãi trong cả nước và quốc tế lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng là vi phạm Nghị định 78.

Tuy nhiên, theo UBND TPHCM, dự án cầu đường Bình Triệu 2 có hạng mục sửa chữa cầu Bình Triệu 1. Trước tình hình cấp bách cần sớm sửa chữa, nâng cao khả năng khai thác cầu cũ này và qua xem xét tính liên tục trong việc đầu tư, khai thác tuyến đường này trong bối cảnh CII đang triển khai dịch vụ thu phí hộ, UBND TPHCM đã giao CII làm nhà đầu tư của dự án.

Bên cạnh đó, UBND TPHCM cũng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư danh mục dự án kêu gọi đầu tư với đề nghị cho CII đầu tư. UBND TPHCM cho rằng, phương án đấu thầu là không khả thi do đang điều chỉnh dự án và giải quyết các vấn đề tồn tại.

Tại dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, Thanh tra Chính phủ kết luận UBND TPHCM đã vi phạm trong việc chỉ định CII làm chủ đầu tư mà không thông qua đấu thầu rộng rãi.

Về kết luận này, UBND TPHCM viện dẫn tình hình cấp bách, việc đầu tư, khai thác của CII đã có tính liên tục nên TPHCM đã áp dụng Nghị định 78 để tiếp tục giao CII làm nhà đầu tư, việc công bố danh mục dự án để mời gọi các nhà đầu tư khác là không cần thiết.

Trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội
Trạm thu phí trên xa lộ Hà Nội

Đối với hợp đồng BOT dự án đầu tư xây dựng bổ sung 2 nút giao thông và lắp đặt dải phân cách (tổng giá trị 700 tỷ đồng) trên quốc lộ 1 đoạn An Sương – An Lạc, Thanh tra Chính phủ kết luận thành phố sai phạm trong việc chỉ định Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (chủ đầu tư dự án BOT An Sương – An Lạc) tiếp tục làm chủ đầu tư.

Về việc này, UBND TPHCM cho biết giao nhà đầu tư thực hiện dự án dựa trên chủ trương Thủ tướng đã chấp thuận. Hai hạng mục bổ sung không phải là một dự án độc lập mà thuộc phạm vi tuyến đường An Sương - An Lạc nên không thể đầu tư độc lập theo hình thức BOT, mà phải gắn liền trong tổng thể dự án BOT An Sương - An Lạc. Ngoài ra, TP không thể đặt trạm thu phí riêng đối với 2 hạng mục này.

Đối với dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào khu công nghiệp Phú Hữu, Thanh tra Chính phủ kết luận, thành phố đã sai phạm trong việc chỉ định Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên làm chủ đầu tư mà không tổ chức đúng trình tự về chỉ định nhà đầu tư theo điều 11 của Nghị định 78.

UBND TPHCM giải trình rằng, việc chỉ định nhà đầu tư đã được Thủ tướng chấp thuận và phù hợp với Nghị định 78 nên thành phố mới triển khai.

Quốc Anh