1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM "điểm mặt" những công ty xi măng vi phạm môi trường, xây dựng

(Dân trí) - Hàng loạt công ty xi măng tại TPHCM vi phạm về xây dựng, môi trường đang được xử lý sau kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng.

UBND TPHCM vừa báo cáo Thanh tra Bộ Xây dựng về kết quả thực hiện các nội dung kết luận thanh tra số 264 (tháng 6/2019) của Bộ Xây dựng về thực hiện quy hoạch xi măng được duyệt trên địa bàn toàn quốc, việc khai thác đá sản xuất xi măng. 

TPHCM điểm mặt những công ty xi măng vi phạm môi trường, xây dựng - 1
Khu vực cảng Trường Thọ, quận Thủ Đức, TPHCM. Trong ảnh: Nhà máy xi măng Hà Tiên Thủ Đức đã di dời vì ô nhiễm môi trường (ảnh: Phạm Nguyễn)

Theo đó, các đơn vị chức năng của TPHCM đã kiểm tra thực tế, lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý về việc tự ý lắp đặt silo tro bay khi chưa được cấp phép xây dựng tại 3 công ty.

Đó là chi nhánh Công ty cổ phần xi măng Fico Tây Ninh - Nhà máy xi măng Fico (đang lắp đặt silo tro bay với diện tích 36m2); chi nhánh Công ty xi măng Chinfon tại TPHCM - Nhà máy nghiền Clanhke Hiệp Phước (lắp đặt silo tro bay với diện tích 64m2 năm 2017) và Công ty TNHH MTV xi măng Hạ Long (lắp đặt silo tro bay với diện tích 30m2 năm 2018).

Ngoài ra còn có 3 đơn vị trên địa bàn thành phố vi phạm công suất sản xuất so với chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường. 

Cụ thể, chi nhánh Công ty xi măng Chinfon tại TPHCM - Nhà máy nghiền Clanhke Hiệp Phước, theo giấy phép đầu tư được cấp năm 2010, quy mô nghiền Clanhke 500.000 tấn/năm và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường. Tuy nhiên, theo kết luận thanh tra, công suất sản phẩm năm 2017 là 784.000 tấn nhưng chưa điều chỉnh lại thủ tục môi trường.

Chi nhánh Công ty cổ phần xi măng Thăng Long, dây chuyền nghiền có công suất thiết kế tương đương 1.250.000 tấn xi măng/năm nhưng công ty đã đầu tư dây chuyền có công suất thiết kế 1.400.000 tấn/năm từ năm 2005 và đưa vào hoạt động từ năm 2011.

Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam - Nhà máy xi măng Hiệp Phước có 2 dây chuyền xi măng công suất thiết kế 500.000 tấn xi măng/năm và đảm bảo pháp lý môi trường.

Tuy nhiên, sau đó công ty thêm dây chuyển, nâng công suất lên 950.000 tấn/năm nhưng lại không thực hiện thủ tục điều chỉnh pháp lý môi trường.

Hiện đơn vị chức năng đã lập biên bản vi phạm để xử lý đối với vi phạm môi trường của chi nhánh Công ty xi măng Chinfon tại TPHCM - Nhà máy nghiền Clanhke Hiệp Phước và Công ty TNHH Siam City Cement Việt Nam - Nhà máy xi măng Hiệp Phước.

Cũng tại báo cáo này, UBND TP cho biết đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu chấm dứt hoạt động cơ sở sản xuất xi măng của Công ty cổ phần Ba Ta Co - khuôn viên Công ty cổ phần Cơ khí giao thông, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức.

UBND TP cũng giao Sở Tài nguyên – Môi trường, Sở Xây dựng, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP, cùng quận Thủ Đức, quận 9 và huyện Nhà Bè tổ chức kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các tồn tại, sai phạm theo kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng.

Quốc Anh