1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM: Di dời cảng biển ra ngoại thành

(Dân trí) - Tình trạng xe container trọng tải lớn thường xuyên vào nội thành TPHCM để vận chuyển hàng hóa tại các cảng biển đã gây hư hỏng đường sá, ô nhiễm và tai nạn giao thông. Đó là lý do khiến TPHCM đang đẩy nhanh kế hoạch di dời các cảng biển ra ngoại thành.

Trong khoảng thời gian từ 20 - 21 giờ hàng ngày, trên Xa lộ Hà Nội thường xảy ra kẹt xe nghiêm trọng tại các điểm ngã tư Thủ Đức, ngã tư Bình Thái, cầu Rạch Chiếc, ngã ba Cát Lái, cầu Sài Gòn… Đó là do lượng xe tải và xe container ào ạt tiến vào thành phố (theo quy định, sau 21 giờ các xe trọng tải lớn mới được phép vào nội thành).

 

Thực trạng này gây nên tình hình giao thông vô cùng hỗn loạn, lộn xộn và nguy hiểm trên cung đường này. Xe container xếp nối đuôi nhau trên cầu Rạch Chiếc khiến cây cầu vốn đã yếu càng xập xệ.

 

Trong khi đó, cầu Văn Thánh II và đường Nguyễn Hữu Cảnh xuống cấp nhanh chóng một phần cũng vì chịu áp lực quá lớn của lượng xe container vào cảng Sài Gòn. Do đó, công tác di dời các cảng biển ra khỏi khu vực nội thành là hết sức cần thiết. 

 

Từ lâu, TPHCM đã triển khai dự án này. Vừa rồi, trong bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình quy hoạch cảng biển tại TPHCM, UBND TP cho biết: việc di dời Tân Cảng Sài Gòn cơ bản đã hoàn thành, nhà máy đóng tàu Ba Son hoàn tất công tác chuẩn bị, cảng Sài Gòn cũng chuẩn bị đầu tư cảng mới.

 

Theo đó, Tân Cảng Sài Gòn dời ra Cát Lái. Nhà máy đóng tàu Ba Son sẽ đến địa điểm mới bên bờ sông Thị Vải. Cảng mới của cảng Sài Gòn là cảng Sài Gòn - Hiệp Phước sẽ được đầu tư xây dựng tại Hiệp Phước, là một cảng tổng hợp, chịu trách nhiệm tiếp nhận công việc của cảng Nhà Rồng - Khánh Hội hiện nay. 

 

Ngoài ra, UBND TP cũng vừa đề xuất Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Điều tra cơ bản tài nguyên – môi trường biển xem xét bổ sung thêm 17 dự án của thành phố vào “Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên – môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”. 

 

Việc đầu tư, thực hiện 17 đề án trên nhằm đạt những mục tiêu cơ bản như: điều tra cơ bản các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và môi trường biển tại TPHCM; xác lập luận cứ khoa học, cơ sở pháp lý để tăng cường quản lý nhà nước, phục vụ cho việc phát triển bền vững các cảng biển và vùng biển TPHCM… Dự kiến tổng kinh phí cho 17 dự án này là 106 tỷ đồng.

 

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm