1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM đề xuất làm đường 763 tỷ đồng dẫn vào nhà máy xử lý rác

Phương Nhi

(Dân trí) - Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đề xuất cần 763 tỷ đồng làm đường vào nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi).

Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) có văn bản gửi UBND TPHCM, Sở Kế hoạch và Đầu tư về dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng, trong Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc (huyện Củ Chi). Đây là dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng.

Theo đó, Sở TN&MT báo cáo, vị trí đề xuất xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng chưa thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và không có tuyến đường để kết nối từ ranh dự án với hạ tầng khu vực.

Do đó, cần triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng với quy mô khoảng 16,4ha. Trong đó, diện tích xây dựng nhà máy khoảng 10,4ha và diện tích bồi thường để xây đường vào nhà máy khoảng 6ha, nhằm đảm bảo hạ tầng phục vụ công tác thi công xây dựng và vận hành khai thác sử dụng.

TPHCM đề xuất làm đường 763 tỷ đồng dẫn vào nhà máy xử lý rác - 1

Một tuyến đường dẫn vào Khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi (Ảnh: H.G.).

Theo Sở TN&MT, dự toán kinh phí cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư để triển khai dự án và dự toán chi phí xây dựng đường vào nhà máy là hơn 763 tỷ đồng. Sở đánh giá, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án không quá 50% tổng mức đầu tư dự án, nên phù hợp với Luật PPP (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư).

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và thu hồi năng lượng, sớm có mặt bằng và đảm bảo hạ tầng kết nối giao thông để thuận tiện thi công xây dựng, vận hành khai thác sử dụng, Sở TN&MT kiến nghị UBND TP, Sở Kế hoạch Đầu tư chấp thuận đưa 2 hạng mục bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng đường vào dự án PPP.

Thời gian qua, chất thải rắn sinh hoạt đa phần được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh (chiếm 60%), còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt (không thu hồi năng lượng), sản xuất phân bón và tái chế.

UBND TPHCM đã giao Sở TN&MT phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu triển khai các nhóm giải pháp để đảm bảo đạt mục tiêu tỷ lệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đến năm 2025 đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%.

Theo đó, TPHCM sẽ thực hiện chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện hữu sang đốt phát điện đối với các chủ xử lý đang có hợp đồng xử lý rác thải sinh hoạt với thành phố; đồng thời đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới.