1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM "đau đầu" vì việc vận chuyển 9.000 tấn rác mỗi ngày

(Dân trí) - Mỗi ngày TPHCM thải ra hơn 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt từ hơn 1,9 triệu hộ gia đình. Trong đó, đường dây thu gom rác dân lập phụ trách thu ở những tuyến đường nhỏ, hẻm với phương tiện thô sơ, tự chế... không đảm bảo an toàn lao động, gây ô nhiễm môi trường.

Tại chương trình "Lắng nghe và trao đổi" của HĐND TPHCM với chủ đề "Công tác thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt tại hộ gia đình - thực trạng và giải pháp" diễn ra ngày 10/11, nhiều bất cập, khó khăn trong việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác được chỉ ra.

Loay hoay chuyển đổi 1.700 phương tiện thô sơ 

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hàng ngày trên địa bàn thành phố thải ra hơn 9.000 tấn chất thải sinh hoạt, phát sinh từ hơn 1,9 triệu hộ và 134.000 hộ kinh doanh dịch vụ.

TPHCM đau đầu vì việc vận chuyển 9.000 tấn rác mỗi ngày - 1

TPHCM gặp khó khăn trong việc chuyển đổi phương tiện thô sơ vận chuyển rác thải

Hệ thống thu gom, vận chuyển rác do 3 nhóm phụ trách là Công ty Môi trường đô thị TP, các công ty dịch vụ công ích ở quận, huyện và đường dây thu gom rác dân lập.

Theo ông Thắng, để hoàn thiện hệ thống thu gom, những năm gần đây thành phố tập trung chuyển đổi pháp nhân, đặc biệt là tổ, đường dây thu gom rác dân lập, để có những giải pháp, chính sách phù hợp, giúp thu gom rác hộ gia đình tốt hơn.

Tính đến nay đã có hơn 1.500/2.500 tổ, đường dây rác dân lập được chuyển đổi pháp nhân, số còn lại đang được các quận, huyện lập kế hoạch, vận động chuyển đổi pháp nhân. 

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP cũng thừa nhận khó khăn trong việc chuyển đổi phương tiện vận chuyển, hiện chỉ có 100/1.700 phương tiện được chuyển đổi. 

Ông Thắng cũng nhìn nhận hạn chế hiện nay là dù có nhiều mẫu xe (18 mẫu) nhưng lại chưa phù hợp với địa hình khu dân cư, với những con hẻm nhỏ chỉ có thể dùng thùng 660 lít hoặc 240 lít thu gom.

TPHCM đau đầu vì việc vận chuyển 9.000 tấn rác mỗi ngày - 2

Phương tiện vận chuyển không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn lao động và gây ô nhiễm môi trường

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết quận có mật độ dân số cao (42.000 người/km2), với 48.000 hộ gia đình, trung bình mỗi ngày thải ra 300 tấn rác.

Trong đó, các HTX dịch vụ môi trường thu gom rác chủ yếu bằng xe thô sơ, xe lôi, xe lam, 3 gác được cải tạo... Quận 4 cũng liên hệ với các nhà sản xuất xe chuyên dụng nhưng mẫu thiết kế lại không phù hợp với địa bàn.

Theo bà Hạnh, xã viên thu gom rác ở hẻm nhỏ với tổng cự ly trên 5km, rác trên 3 tấn mỗi ngày mà dùng thùng đẩy tay là chưa phù hợp. Bà đề nghị cần tạo điều kiện cho xã viên chuyển hóa phương tiện.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận 5 cho biết mỗi ngày trên địa bàn quận thải ra 230 tấn rác. Trong đó, công ty công ích phụ trách thu gom vận chuyển 10%, số rác còn lại do đường dây rác dân lập thu gom. Tháng 12 này quận sẽ ra mắt HTX vệ sinh môi trường và triển khai chuyển đổi phương tiện thu gom theo hướng dẫn của thành phố.

Cũng theo ông Tuấn, hiện quận có 1 điểm tập kết rác ở đường Võ Văn Kiệt nhưng khó khăn là vận chuyển xa, nhất là đối với đường dây rác dân lập. Điểm này cũng khó cải tạo, chuyển đổi công nghệ vì lối vào xuyên qua khu dân cư và cũng nằm trong khu dân cư. 

TPHCM đau đầu vì việc vận chuyển 9.000 tấn rác mỗi ngày - 3

Điểm tập kết rác gây ô nhiễm môi trường do không có sự phối hợp tốt giữa xe của đường dây thu gom rác dân lập và xe vận chuyển của công ty công ích

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho biết tại các điểm hẹn, đường dây rác dân lập tới sớm hơn giờ quy định, xe không che chắn, nước rỉ rác gây ô nhiễm môi trường. 

"Trong khi đó, trạm trung chuyển hở, quá tải, lượng rác không kịp chở đi gây ô nhiễm, người dân thành phố cũng phản ứng", ông Sơn nói.

Tháo gỡ khó khăn nguồn vốn, linh hoạt thiết kế mẫu xe

Là người phụ trách thu gom rác nhiều năm qua, ông Phạm Văn Khanh (đường dây thu gom rác ở quận 5) cho biết các hẻm nhỏ thì chỉ có thể dùng thùng 660 lít nối với xe gắn máy để chuyển rác. Đến nay, thành phố yêu cầu dùng xe cơ giới, giá xe cao nên nhiều người không đáp ứng được. 

TPHCM đau đầu vì việc vận chuyển 9.000 tấn rác mỗi ngày - 4

Bên cạnh mẫu xe không phù hợp với địa bàn dân cư thì khó khăn về nguồn vốn là nguyên nhân chính khiến việc chuyển đổi phương tiện tại TPHCM gần như "bế tắc"

Ông Lý Hiệp Hòa, Giám đốc HTX Bảo Tín ở huyện Hóc Môn, cho biết đơn vị  có khoảng 200 công nhân, người lao động được tập trung từ các đường dây thu gom rác. HTX thu hàng chục ngàn hộ dân với 60 tấn rác mỗi ngày. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là chuyển đổi phương tiện, HTX còn 120 phương tiện cần chuyển đổi.

Do đó, ông kiến nghị có chính sách ưu đãi hơn cho vay vốn, như giảm vốn đối ứng từ 30% xuống 20%, kéo dài thời hạn cho vay từ 5 lên 6-7 năm, gia hạn thời gian chuyển đổi phương tiện. Ngoài ra, thành phố cần mạnh dạn cho thiết kế, thí điểm các loại xe nhỏ thu gom trong hẻm với giá thành thấp.

Từ kết quả giám sát, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó Trưởng Ban Đô thị HĐND TPHCM, cho biết còn nhiều tồn tại, bất cập trong thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt: "Nhiều đội thu gom rác không đúng định kỳ, dùng xe thô sơ gây ô nhiễm môi trường. Một số trạm cũ, quá tải gây ô nhiễm, ảnh hưởng chất lượng sống người dân. Việc chuyển đổi đường dây rác dân lập thành doanh nghiệp, HTX cũng chưa kịp thời".

Ông Nhật cho rằng chuyển đổi phương tiện khó hoàn thành theo tiến độ vì khó khăn về nguồn vốn, chính sách vay vốn, mẫu xe không phù hợp với địa bàn dân cư.  

TPHCM đau đầu vì việc vận chuyển 9.000 tấn rác mỗi ngày - 5

Lãnh đạo TPHCM tham quan một số mô hình xe vận chuyển rác thải cỡ nhỏ

Về vấn đề chuyển đổi phương tiện, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho rằng thành phố chỉ ban hành quy định tiêu chuẩn kỹ thuật, chứ không phải mẫu xe cụ thể. Do đó, các địa phương có thể xác định mẫu cụ thể và phối hợp với các công ty sản xuất. Cơ quan chức năng sẽ lo việc chuẩn hóa mẫu xe. 

"Chúng ta không cứng nhắc mẫu xe, miễn là đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật", ông Thắng nói. 

Cũng theo ông Thắng, các phương án về giá trị vay, thời gian vay vốn, lãi suất vay mà các đơn vị kiến nghị, cơ quan chức năng sẽ tham mưu để sớm có chính sách tốt hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện. Ngoài ra, thời gian chuyển đổi phương tiện ở ngoại thành sẽ được kéo dài đến năm 2025 và nội thành là hết năm 2021.

Quốc Anh