1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Người dân TPHCM không phân loại rác thải có thể bị phạt tới 20 triệu đồng?

(Dân trí) - Làm sao để việc xử phạt số tiền lên tới 15-20 triệu đồng hành vi không phân loại rác tại nguồn thuyết phục và mang tính răn đe? Không phải người dân nào cũng có tiền đóng phạt. Trường hợp người dân không đóng phạt thì giải quyết như thế nào để đảm bảo chế tài được thực thi? Đó vẫn còn là một câu hỏi khó trả lời.

UBND TPHCM vừa ban hành Quyết định 44/2018 về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố.

Theo quyết định, chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý chặt chẽ nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người. Từ 24/11, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố có hoạt động phát sinh chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện phân loại.

Chất thải phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành 3 nhóm: nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (nhóm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật); nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (nhóm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh); nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).

Điểm nóng ô nhiễm môi trường do không có sự phối hợp tốt giữa xe thu gom rác của đường dây thu gom rác dân lập và xe vận chuyển của công ty công ích
Điểm "nóng" ô nhiễm môi trường do không có sự phối hợp tốt giữa xe thu gom rác của đường dây thu gom rác dân lập và xe vận chuyển của công ty công ích

TPHCM cũng khuyến khích các hộ gia đình, chủ nguồn thải sử dụng túi có màu trắng, màu xanh để chứa chất thải hữu cơ, còn túi có màu sắc khác để chứa chất thải còn lại; dùng thùng rác chuyên dụng có màu xanh để chứa chất thải hữu cơ, màu xám để chứa chất thải còn lại.

Cũng theo Quyết định này, các tổ chức thu gom, vận chuyển phải đảm bảo tổ chức thu gom, vận chuyển riêng nhóm chất thải hữu cơ và nhóm chất thải còn lại.

Chất thải hữu cơ được thu gom vào thứ hai, tư, sáu và chủ nhật trong tuần; chất thải còn lại được thu gom vào thứ ba, năm, bảy trong tuần. Tùy điều kiện thực tế mà các địa phương có thể sắp xếp thời gian thu gom phù hợp và tùy khối lượng phát sinh của từng nhóm chất thải mà có thể tăng, giảm số ngày thu gom trong tuần.

Phương tiện thu gom có dòng chữ “Thu gom chất thải hữu cơ” hoặc “Thu gom chất thải còn lại”; phương tiện vận chuyển có dòng chữ “Vận chuyển chất thải hữu cơ” hoặc “Vận chuyển chất thải còn lại”.

Trường hợp hộ gia đình, chủ nguồn thải không chấp hành phân loại chất thải rắn và chuyển giao không đúng nhóm chất thải theo quy định, sau khi được nhắc nhở nhiều lần (3 lần trở lên/tuần) thì tổ chức, cá nhân thu gom có trách nhiệm thống báo đến UBND xã, phường, thị trấn để xử lý theo quy định.

Theo khoản 4, Điều 20 Nghị định 155 của Chính phủ Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: “Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định”.

Phương tiện thu gom rác thô sơ, không có ngăn phân loại rác theo tiêu chuẩn
Phương tiện thu gom rác thô sơ, không có ngăn phân loại rác theo tiêu chuẩn

Trên địa bàn TPHCM, mỗi ngày thải ra khoảng gần 9.000 tấn rác thải sinh hoạt. Một nghịch lý đang tồn tại đó là người dân phân loại xong người đi thu gom lại đổ chung một thùng, kết quả không còn ý nghĩa nên nhiều người không muốn thực hiện vì phí công sức.

Nguyên nhân là hiện nay, lực lượng thu gom rác thải dân lập rất lớn nhưng phương tiện không đảm bảo. Trong khi đó, việc thu gom rác của lực lượng này khá nhếch nhác, rơi vãi, bốc mùi hôi, gây ô nhiễm môi trường.

Tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi” do HĐND TPHCM phối hợp cùng Đài truyền hình TPHCM tổ chức mới đây, bà Lâm Thị Ngọc Hoa – Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ TP – cho biết qua tuyên truyền vận động, nhiều chị em tham gia phân loại rác tại nguồn theo Nghị quyết của HĐND TPHCM. Tuy nhiên, kết quả thực hiện không như mong muốn.

“Phương tiện thu gom đảm bảo yêu cầu chỉ có ở nơi làm thí điểm. Những khu vực còn lại, người thu gom cho rác chung vào một thùng. Công sức chị em phân loại coi như không còn ý nghĩa. Cho nên nhiều người biết cũng không thực hiện”, bà Hoa nói.

Trong khi đó, ông Đậu An Phúc – Phó Chủ tịch UBND quận 12 – cho biết địa phương tổ chức làm thí điểm phân loại rác tại nguồn ở 2 khu vực từ năm 2015 và đạt kết quả khá tốt, tỷ lệ tham gia trên 90%.

Đến năm 2017, UBND TP ban hành kế hoạch thí điểm nên quận quyết định nhân rộng địa bàn thí điểm. Tổ chức lớp tập huấn cho người dân phân loại rác tại nguồn, số người tham gia tăng.

Theo ông Phúc, khi mở rộng địa bàn phân loại rác tại nguồn thì có lực lượng thu gom rác dân lập tham gia nhưng chưa được tập huấn. Trên địa bàn có 119 đường dây thu gom rác dân lập nên việc tập trung tập huấn gặp khó khăn.

Thực tế trên khiến Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm bức xúc. Theo bà, người dân thu gom rác mà xe gom rác nhập chở chung thì không hiệu quả. Người dân ủng hộ phân loại rác tại nguồn rồi thì lại có việc thu gom rác quản lý chưa tốt, điều này rất vô lý.

Đại diện Hợp tác xã Bảo Tín cho biết đang phụ trách thu gom rác cho 39.000 hộ dân, mỗi ngày khoảng 140 tấn rác. Trong đó, lực lượng thu gom rác dân lập do HTX đang quản lý còn nhiều vấn đề vướng mắc, nhất là phương tiện.

Hợp tác xã này quản lý gần 150 phương tiện thô sơ với hơn 100 công nhân. Muốn chuyển đổi phương tiện đảm bảo yêu cầu cần kinh phí rất lớn, khoảng 50 tỷ đồng.

Việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác tại TPHCM đang gặp nhiều khó khăn
Việc chuyển đổi phương tiện thu gom rác tại TPHCM đang gặp nhiều khó khăn

Hiện nay, hầu hết người đi thu gom rác trong đường dây thu gom rác dân lập là người nghèo, chuyển đổi phương tiện đạt chuẩn rất khó khăn.

Do đó, để đảm bảo phương tiện thu gom rác đạt chuẩn thì thành phố cần có chính sách hỗ trợ về tài chính. Nếu không, thành phố cần có giải pháp khác để nâng cấp hệ thống phương tiện thu gom rác đạt chuẩn.

Nếu không làm tốt điều này thì rất khó vận động người dân thu gom rác thải tại nguồn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, hướng dẫn cách phân loại rác thải tại nguồn cho người dân phải được thực hiện tốt, đồng bộ với chuyển đổi phương tiện.

Chỉ khi làm tốt 2 việc trên thì việc xử phạt số tiền lên tới 15-20 triệu đồng về việc không phân loại rác tại nguồn mới thuyết phục và mang tính răn đe. Bởi lẽ, không phải người dân nào cũng có tiền đóng phạt. Trường hợp người dân không đóng phạt thì giải quyết như thế nào để đảm bảo chế tài được thực thi? Đó vẫn còn là một câu hỏi khó trả lời.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm