1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM đang... lún?

Đường lún, nhà lún, đất lún... đang trở thành hiện tượng phổ biến ở một số khu vực trên địa bàn TPHCM. Toàn thành phố hình như đang mắc thêm một “căn bệnh” mới với triệu chứng ban đầu là hiện tượng lún sụt nhà cửa, đường sá và đất mặt.

Nhiều địa bàn bị lún, sụt

 

Đầu năm 2006, những hộ dân ở khu vực gần trạm giếng khoan tại hẻm 686 khu phố 4, Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức hốt hoảng khi phát hiện nhà vừa lún xuống vừa nghiêng về một bên làm sụt lở nền, nứt vách...

 

Ngày 14/6, trở lại khu vực này, chúng tôi vẫn bắt gặp nỗi lo lắng về tình trạng lún đất. Bà Nguyễn Thị Tư (số 686/2) chỉ chúng tôi xem ngôi nhà bà nay đã bỏ hoang, nước ngập lênh láng. Bà cho biết nền nhà này đã lún gần cả mét so với trước đây nên gia đình bà không dám ở vì sợ sập.

 

Nằm sát bên nhà bà Tư, trạm giếng khoan hiện cũng đang bị lún ngập khá sâu. Vào cuối năm 2003, một vụ sụt lún nghiêm trọng đã xảy ra ở ấp Thới Tử, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn làm người dân ở địa phương này hết sức hoang mang. Không hiểu vì nguyên nhân gì, chỉ sau một đêm, một dải đất dài 30m, rộng 1m đã bị sụt sâu xuống từ 20 đến 40cm. Khi khảo sát hiện tượng, cơ quan chức năng phát hiện dưới lớp đất mặt khoảng 20cm có bùn nhão sâu từ 2 - 3m.

 

Ngoài những vụ lún trên, hiện tượng lún sụt của công trình xây dựng, giao thông, khu đô thị mới... cũng đang xảy ra khá phổ biến trên địa bàn TP. Theo nghiên cứu của Liên hiệp Khoa học sản xuất địa chất - môi trường Miền Nam, tại khu vực phường 10, quận 6 phát hiện có bậc thềm nhà dân bị lún 20cm và tình trạng sụt lún kéo dài hơn 1 năm.

 

Ông Nguyễn Văn Ngà, Trưởng Phòng Tài nguyên Khoáng sản, Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TPHCM, cho biết trên địa bàn quận 6, 11, 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh còn xảy ra hiện tượng lún xung quanh các giếng khoan. Tại phường 11, quận 6, các ống giếng đã trồi lên đến 20cm, điều này có nghĩa nền đất khu vực này đã bị lún sâu xuống 20cm so với trước đây.

 

Lún cục bộ hay diện rộng?

 

Hà Nội cũng lún

 

Từ năm 1985, một số nhà khoa học đã cảnh báo về khả năng sụt lún mặt đất tại Hà Nội do khai thác nước ngầm, trong đó tập trung ở phía Nam bờ phải sông Hồng.

 

Sự sụt lún mặt đất xảy ra chủ yếu ở các vùng phân bố các tầng đất yếu. Kết quả đo lún từ năm 1994 – 2001 tại 6 trạm quan trắc cho thấy việc khai thác nước ngầm đã làm lún từ 0,01 m đến 0,53 m.

 

(Nguồn: Bộ Tài nguyên - Môi trường)

Giải thích hiện tượng lún sụt nhà dân ở phường Hiệp Bình Phước, các cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân là do việc khai thác nước ngầm ở khu vực này đã gây ra lún cục bộ. Để bảo đảm an toàn cho người dân, UBND TP đã ra lệnh ngưng khai thác nước giếng khoan và giao Sở Xây dựng khảo sát đánh giá lại mức độ lún sụt để có biện pháp khắc phục.

 

Về tình trạng lún đất ở huyện Hóc Môn, tiến sĩ Huỳnh Ngọc Sang, Trưởng Khoa Địa chất - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nhận định nguyên nhân là do việc sử dụng đất không tốt dẫn đến hiện tượng nước bị úng, không thoát ra được...

 

Riêng đối với hiện tượng lún ở các công trình xây dựng, hầu hết đơn vị hữu quan đều chưa đưa ra những kết luận thuyết phục và chỉ nhận định nguyên nhân là do nền đất yếu.

 

Theo tiến sĩ Vũ Văn Nghi, Phó Chủ tịch Hội Địa chất Thủy văn Việt Nam, hiện tượng lún trong thời gian qua chỉ mới được khảo sát mang tính cục bộ nên chưa thể khẳng định toàn TP đang bị lún trên diện rộng.

 

Lập trạm quan trắc, nghiên cứu tổng thể

 

Lý giải thêm về hiện tượng lún, một số nhà khoa học ở TP nhận định có khả năng một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng lún ở TPHCM là tình trạng khai thác nguồn nước ngầm quá mức.

 

Bởi theo thống kê chưa đầy đủ của Sở TN-MT, hiện TP có khoảng trên 100.000 giếng khoan với số lượng nước khai thác 600.000 m3/ngày. Riêng một số khu vực phía Nam TP, mực nước đã tụt giảm xuống đến gần 30m so với mặt đất.

 

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở TN-MT, cho biết UBND TP đang triển khai xây dựng 14 trạm quan trắc để dự báo tình trạng lún do khai thác nước ngầm và lún đất tự nhiên tại khu vực phía Nam TP (kinh phí 10 tỉ đồng). “Từ những kết quả quan trắc, sẽ có cái nhìn chính xác hơn về tình trạng sụt lún hiện nay ở TP từ đó có hướng phòng chống và khắc phục” - ông Chiến nói.

 

Riêng việc lún đất ở khu vực công trình xây dựng, ông Chiến cho rằng cần có sự phối hợp của các ngành liên quan trong việc nghiên cứu một cách tổng thể mới xác định được nguyên nhân chính.

 

Những TP lún trên thế giới

 

Bangkok (Thái Lan): Các nhà khoa học Thái Lan cho biết, TP Bangkok đang bị lún từ 0,6-0,8m trên một vùng có đường kính 200 km. Nguyên nhân được xác định là do tình trạng khai thác nước ngầm quá mức.

 

Thượng Hải (Trung Quốc): Theo Viện Thống kê Địa chất Thượng Hải năm 2002, TP này bị lún khoảng 10mm/năm, cũng do khai thác nước ngầm quá nhiều.

 

Venice (Ý): Các nhà khoa học Ý cảnh báo rằng TP Venice đang có nguy cơ chìm xuống biển vì từ nay đến 2050 sẽ bị lún thêm từ 20-50cm. 100 năm qua TP này đã bị lún sâu đến 70cm so với mực nước biển.

 

Chicago (Mỹ): Theo nghiên cứu của Trường ĐH Northwestern (Mỹ), TP Chicago đang bị lún với tỉ lệ 1mm/năm. Nguyên nhân do sự tan chảy của các dòng sông băng ở Canada làm dịch chuyển các vùng đất lân cận.

 

Theo K.Long - Tr. Thanh

Người Lao Động