1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM đã “ưu ái” nhà đầu tư Cầu Phú Mỹ như thế nào?

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ phát hiện tại dự án cầu Phú Mỹ, UBND TPHCM không lập hồ sơ và có báo cáo thẩm định nhưng đã phê duyệt điều chỉnh dự án 2 lần, điều chỉnh tổng mức đầu tư 1 lần; tại dự án đường nối vào cầu Phú Mỹ đã chấp thuận chủ trương giao Công ty Cổ phần BOT cầu Phú Mỹ tổ chức đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BT mà không tổ chức đấu thầu rộng rãi.

Dự án Cầu Phú Mỹ (Ảnh: Đình Thảo)
Dự án Cầu Phú Mỹ (Ảnh: Đình Thảo)

Qua kết luận thanh tra việc đầu tư xây dựng một số dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT trên địa bàn TPHCM, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ những sai phạm trong việc đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ và đường kết nối vào cầu Phú Mỹ.

Hưởng nhiều “ưu ái”

Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ là nhà đầu tư với tổng mức đầu tư trên 2.077 tỷ đồng; thời gian thu phí hoàn vốn 26 năm.

Theo quy định, để đầu tư thực hiện dự án theo hình thức BOT thì nhà đầu tư phải gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước để xem xét năng lực tài chính, khả năng huy động vốn.

Tuy nhiên nhà đầu tư gửi hồ sơ đề xuất còn thiếu một số nội dung phương án huy động vốn, chưa đủ giấy tờ cam kết của ngân hàng hoặc nhà cấp vốn khác để thực hiện dự án. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền là UBND TPHCM đã thiếu trách nhiệm xem xét tính đầy đủ của hồ sơ về khả năng huy động nguồn vốn là vi phạm quy định của Chính phủ.

Theo quy định về quản lý đầu tư và xây dựng, khi phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư phải lập hồ sơ và có báo cáo thẩm định. Tuy nhiên, UBND TPHCM không lập hồ sơ và có báo cáo thẩm định nhưng đã phê duyệt điều chỉnh dự án 2 lần, điều chỉnh tổng mức đầu tư 1 lần từ trên 1.806 tỷ đồng lên 2.077 tỷ đồng vi phạm Nghị định 16/2005.

Hợp đồng BOT quy định thời điểm khởi công xây dựng công trình là tháng 12/2005 nhưng đến tháng 2/2007 mới bắt đầu; thời điểm bắt đầu thu phí hoàn vốn là tháng 1/2009 nhưng đến tháng 4/2010 mới bắt đầu thu phí hoàn vốn.

Việc chậm trễ khởi công xây dựng công trình thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải khi thực hiện công tác thẩm định và trách nhiệm của UBND TPHCM trong phê duyệt thiết kế kỹ thuật, bàn giao mặt bằng, bảo lãnh vay vốn nước ngoài.

Việc công trình chậm khởi công, không thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết với nhà thầu thi công nên nhà thầu thi công đã phạt chủ đầu tư với số tiền trên 60 tỷ đồng. Số tiền nhà đầu tư bị phạt đã được UBND TPHCM phê duyệt vào chi phí công trình.

Kết luận thanh tra cho biết dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ tháng 8/2009 nhưng đến tháng 11/2012, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ mới có văn bản về việc trình phê duyệt chi phí đầu tư xây dựng Dự án BOT Phú Mỹ. Đến ngày 18/2/2014 UBND TPHCM có văn bản phê duyệt kết quả kiểm toán chi phí đầu tư, trong đó giá trị đầu tư được phê duyệt trên 2.914 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, quá trình thực hiện UBND TPHCM không chấp hành đúng về trình tự và thủ tục đầu tư, chưa thẩm định và phê duyệt điều chỉnh dự án nhưng đã phê duyệt kết quả kiểm toán chi phí đầu tư, vi phạm Nghị định 12/2009.

Nhiều “vấn đề” tại dự án đường nối vào cầu Phú Mỹ

Tại dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ thực hiện theo hình thức BT (xây dựng- chuyển giao) với tổng mức đầu tư 1.440 tỷ đồng, cũng do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Mỹ làm nhà đầu tư, Thanh tra Chính phủ phát hiện UBND TPHCM không thực hiện việc xây dựng và công bố danh mục dự án xây dựng để kêu gọi đầu tư, đến tháng 4/2011 mới thực hiện công bố là vi phạm quy định.

“UBND TPHCM có văn bản về việc chấp thuận chủ trương giao Công ty Cổ phần BOT cầu Phú Mỹ tổ chức đầu tư dự án theo hình thức hợp đồng BT mà không tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế để lựa chọn nhà đầu tư đàm phán hợp đồng là vi phạm Nghị định 78/2007”- kết luận chỉ rõ.

Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, được ngân sách thành phố thanh toán sau khi công trình hoàn thành nên việc lựa chọn nhà thầu xây lắp thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Tuy nhiên quá trình thực hiện nhà đầu tư không tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu xây lắp mà chỉ định các nhà thầu xây lắp là vi phạm quy định.

Theo quy định của hợp đồng BT, đơn vị thực hiện xây lắp phải có trách nhiệm bảo hành công trình đúng quy định. Tuy nhiên, do Công ty TNHH Xây dựng How Yu (Việt Nam) là đơn vị xây lắp đã hoàn thành công trình nhưng không thực hiện trách nhiệm bảo hành, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ phải thuê đơn vị khác thực hiện và đề nghị quyết toán với số tiền trên 41,6 tỷ đồng.

Số tiền đề nghị quyết toán này, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ phải có trách nhiệm đòi Công ty TNHH Xây dựng How Yu để trả cho đơn vị bảo hành công trình mà không được đề nghị đưa vào quyết toán làm tăng chi phí dự án không đúng quy định.

Cơ quan thanh tra cũng phát hiện chi phí quản lý dự án được Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ đề nghị quyết toán vượt quy định trên 61,7 tỷ đồng.

“Hợp đồng BT được ký kết quy định lợi nhuận nhà đầu tư được trả bằng quỹ đất để xây dựng dự án. Tuy nhiên, do không giao quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án và cũng không có quy định cụ thể giá trị lợi nhuận nhà đầu tư được hưởng nên nhà đầu tư đề nghị quyết toán giá trị lợi nhuận trên 383,6 tỷ đồng vào hồ sơ quyết toán là không có cơ sở”- Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.

Thế Kha