TPHCM có 25 điểm sạt lở bờ sông đặc biệt nguy hiểm
(Dân trí) - Theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, hiện thành phố có 42 vị trí sạt lở bờ sông, kênh rạch, trong đó có 25 điểm đặc biệt nguy hiểm, tập trung chủ yếu ở các quận, huyện như Nhà Bè, Cần Giờ, 2, Thủ Đức…
Theo quy luật triều hàng năm, hiện TPHCM bước vào thời điểm thường xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bắt đầu từ tháng 4-9. Đây là các tháng có mực nước chân triều rút thấp nhất trong năm 2017.
Theo báo cáo của Sở GTVT vào năm 2016, trên địa bàn thành phố có 42 vị trí có nguy cơ sạt lở, trong đó có 25 vị trí đặc biệt nguy hiểm.
Do đó, để cảnh báo và chủ động phòng ngừa, ứng phó tình trạng sạt lở, Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm vừa yêu cầu Sở GTVT phối hợp với các đơn vị liên quan cùng các quận, huyện khảo sát, kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn thành phố, báo cáo kết quả trong tháng 6 này. Đồng thời khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án bảo vệ bờ sông, kênh rạch.
Bên cạnh đó, đơn vị chức năng phải tiến hành cắm biển cảnh báo nguy hiểm sạt lở, thả phao phân luồng đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông thủy đi qua khu vực bị sạt lở; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân sinh sống xung quanh để biết và chủ động phòng, tránh các thiệt hại có thể xảy ra.
Thanh tra Sở Xây dựng có trách nhiệm tăng cường kiểm tra, phối hợp với UBND các quận, huyện xử lý những trường hợp lấn chiếm sông, kênh, rạch trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch.
UBND TPHCM cũng chỉ đạo Công an TP và Sở Tài nguyên - Môi trường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai xử lý triệt để các chủ phương tiện khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông trái phép trên sông Sài Gòn, Đồng Nai.
Mới đây, đường dân sinh (gần mép sông Rạch Tôm) tại xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè đã bất ngờ xuất hiện vết nứt dài 40m, có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến 7 hộ dân và hệ thống hạ tầng trong khu vực.
Quốc Anh