1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

TPHCM: Chuyên gia "tố" cơ quan quản lý đô thị "cát cứ" dữ liệu công trình ngầm

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia đề nghị sớm chấm dứt tình trạng “cát cứ” cơ sở dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu địa chất công trình ngầm tại TPHCM. Nhà nước bỏ chi phí lập cơ sở dữ liệu nhưng các đơn vị chia nhau “cát cứ”, khiến người dân, doanh nghiệp phải tốn tiền khi có nhu cầu sử dụng. Việc này cũng làm phát sinh nhiều tệ nạn.

Ngày 12/4, tại hội thảo Quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị TPHCM, TS Lưu Đình Hiệp – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin địa lý (Đại học Bách khoa TPHCM) cho biết, cơ sở dữ liệu của hệ thống thông tin địa lý GIS là công cụ quan trọng để quản lý thông tin, phục vụ quản lý không gian ngầm.

Theo TS Hiệp, việc triển khai vận hành hệ thống càng sớm càng thuận lợi cho công tác quản lý cũng như việc xây dựng các quy định khung liên quan đến việc cập nhật, khai thác dữ liệu không gian về quy hoạch nói chung và hạ tầng ngầm nói riêng giữa các cơ quan ban ngành của thành phố.

Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên với 3 nhà ga ngầm, 2,6km đi ngầm được ứng dụng công nghệ khiên đào TBM của Nhật Bản
Dự án metro Bến Thành - Suối Tiên với 3 nhà ga ngầm, 2,6km đi ngầm được ứng dụng công nghệ khiên đào TBM của Nhật Bản

“Cần xác định một cơ quan đứng đầu tại thành phố chịu trách nhiệm điều phối việc chia sẻ dữ liệu. Ngoài ra, cần tiên phong đột phá để có một chính sách truy cập dữ liệu không gian thông thoáng hơn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cơ quan, doanh nghiệp và người dân”, ông Hiệp nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp cho rằng, hiện nay có tình trạng các đơn vị “cát cứ” cơ sở dữ liệu, trong đó có dữ liệu địa chất công trình.

“Nhiều đơn vị sử dụng tiền Nhà nước để thực hiện các đề tài thu thập dữ liệu nhưng sau đó tự hưởng kết quả chứ xã hội không được hưởng bao nhiêu. Đó là thực trạng của chúng ta hiện nay”, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp nói. Theo ông, phải áp dụng khoa học công nghệ để công tác quản lý dữ liệu thực chất hơn.

Theo ông Hiệp, trong lĩnh vực xây dựng, dữ liệu “cát cứ” ở các phòng quản lý đô thị, rồi có một số doanh nghiệp chuyên khai thác việc làm giấy phép xây dựng.

“Tại sao không công khai cho người dân biết để họ đỡ tốn tiền khi cần thông tin. Thiếu công khai làm phát sinh các tệ nạn. Tiền nhà nước đầu tư nhiều nhưng không hiệu quả vì tình trạng “cát cứ” như vậy”, ông Hiệp nhận định.

Trong khi đó, kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường chia sẻ câu chuyện làm đề tài về các “hố tử thần” từ nhiều năm trước và chỉ ra sự bất cập trong công tác quản lý, khai thác dữ liệu. ông Trường cho biết, khi đào bới dưới nền đất thì đụng tới... 15 đơn vị quản lý (điện, cấp nước, thoát nước, internet...). Đi xin dữ liệu thì vừa tốn thời gian vừa phải trả chi phí qua “người quen”.

Tại hội thảo, TS Võ Kim Cương cho biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu GIS đã bắt đầu cách đây khoảng 20 năm. “Sở Khoa học và Công nghệ đã có chương trình từ rất sớm. Tuy nhiên, ước vọng xây dựng trung tâm thông tin GIS của thành phố vẫn chưa thực hiện được”, ông Cương nói.

TS Cương chia sẻ, trước đây TPHCM được tài trợ để vẽ bản đồ công trình ngầm nhưng cuối cùng chỉ tập huấn và làm vài hecta.

Theo TS Cương, hiện thành phố không có hoạt động giao lưu, hợp tác, cung cấp thông tin. Ông Cương khẩn thiết cần những quy chế, chính sách quản lý thông tin dữ liệu. Thành ủy nên xác định đây chương trình trọng điểm thứ 8 của thành phố. Cơ sở dữ liệu là nền tảng của nền tảng bởi không có thông tin thì không làm được gì cho chính xác.

Dự án trung tâm thương mại ngầm tại nhà ga Bến Thành (tuyến metro số 1) và dọc đường Lê Lợi (nguồn: Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM)
Dự án trung tâm thương mại ngầm tại nhà ga Bến Thành (tuyến metro số 1) và dọc đường Lê Lợi (nguồn: Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM)

Đồng quan điểm, TS Phan Hữu Duy Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ sở dữ liệu đối với việc quy hoạch, xây dựng không gian ngầm.

“Thuận lợi trong việc phát triển công trình ngầm hay không nằm ở việc có dữ liệu hay không. Khó khăn của việc xây dựng công trình ngầm là không biết dưới đất có gì nên việc đấu thầu rất rủi ro, ai cũng ngại làm”, ông Quốc nói.

Theo TS Quốc, nhiều lúc đào dưới đất lên một số chướng ngại vật mà không biết ai là chủ. “Thấy đường dây cáp, thông báo tìm chủ một tuần thì không thấy ai nhưng khi cắt thì có người xuất hiện. Công trình metro của thành phố cũng vậy, có những đường ống nước nghĩ đã “chết” rồi nhưng khi đập bỏ thì nước tràn ra”, ông Quốc dẫn chứng.

Ngoài ra, TS Quốc cũng chỉ ra bất cập trong việc cập nhật dữ liệu đối với công trình ngầm hiện nay. Nhiều công trình thi công thực tế phải điều chỉnh không giống như thiết kế. Tuy nhiên, khi làm thủ tục hoàn công thì các thông tin, dữ liệu lại không được cập nhật thêm vào nên có tình trạng dự án sau đụng tới lại "dính" đường nước, đường điện. Cơ sở dữ liệu, như khẳng định của TS Quốc, cực kỳ quan trọng đối với việc xây dựng công trình ngầm.

Để minh họa rõ hơn về tình trạng này, PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp kể: "Nhiều “lô cốt” được dựng phục vụ việc đào đường, đặt ống cống nhưng công trình cả tháng không xong vì kẹt cái này, cái kia ở dưới. Làm một khúc đường mà mất mấy tháng trời, toàn phải làm tới đâu xử tới đó vì chờ thủ tục thì rất lâu”.

Quốc Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm