TPHCM chuẩn bị xây Trung tâm hành chính

(Dân trí) - UBND TPHCM vừa chỉ đạo khẩn trương sửa chữa khối nhà A tại địa chỉ 255 Trần Hưng Đạo (quận 1) để bố trí làm trụ sở cho các cơ quan đang hoạt động trong khu vực quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính TP, chuẩn bị di dời các cơ quan này.

TPHCM chuẩn bị xây Trung tâm hành chính
Kiến trúc tòa nhà trụ sở HĐND - UBND TP hiện hữu sẽ được bảo tồn trong Trung tâm hành chính mới của TP

Theo quy hoạch, TPHCM sẽ xây dựng khu Trung tâm hành chính mới ngay trên khu đất rộng 18.000m2 giới hạn bởi các đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi (thuộc phường Bến Nghé, quận 1). Khu đất này hiện là địa điểm đặt trụ sở HĐND - UBND TP, Sở Nội vụ, Sở Giao thông Vận tải, Sở Thông tin Truyền thông, Sở Tài nguyên Môi trường…

Khu đất xây dựng Trung tâm hành chính mới nằm trong khu 2 của khu trung tâm hiện hữu TPHCM. Theo quy hoạch chi tiết khu trung tâm hiện hữu vừa được duyệt, khu 2 là khu tập trung các công trình có chức năng văn hóa - lịch sử, là trục trung tâm văn hóa lịch sử, quanh trục đường Lê Duẩn; phát triển với chức năng văn hóa, kinh doanh, thương mại, du lịch, dân cư và giáo dục…

TPHCM chuẩn bị xây Trung tâm hành chính
Vị trí của trung tâm hành chính mới (điểm tròn đỏ) trong quy hoạch khu trung tâm TPHCM (bên trong đường viền đỏ)

Theo chỉ đạo của UBND TP, trong khu Trung tâm hành chính mới, kiến trúc tòa nhà HĐND - UBND TP hiện nay (số 86 Lê Thánh Tôn) và một số công trình kiến trúc có giá trị sẽ được giữ lại. Phần đất còn lại sẽ được tiến hành xây dựng thêm các công trình để làm cơ sở hoạt động của UBND TP và một số ban ngành trực thuộc. Để tiến hành xây dựng, các sở - ngành đóng trụ sở trong các kiến trúc dự kiến cải tạo phải di dời sang trụ sở mới.

Trước đó, vào cuối tháng 2/2014, UBND TP cũng đã ra quyết định phê duyệt Kế hoạch tổ chức thi tuyển phương án thiết kế quy hoạch tổng thể mặt bằng và thiết kế kiến trúc các công trình Trung tâm hành chính TP. Tổng kinh phí cho cuộc thi là gần 1,2 tỉ đồng.

UBND TP cũng chỉ đạo xây dựng phương án kiến trúc Trung tâm hành chính TP phải lưu ý kết nối các khối nhà bằng đường giao thông nội bộ, lấy mặt đường Lê Thánh Tôn làm mặt tiền chính. Từ đó, thiết kế phải gắn kết với quy hoạch các tuyến đường đi bộ trong Khu trung tâm TP, quy hoạch tượng đài Bác Hồ… và có phương án tổ chức giao thông khu vực hợp lý. Thiết kế phải đảm bảo cân đối hài hòa không gian kiến trúc với các ô phố lân cận…

Tùng Nguyên