TPHCM chưa “xin lỗi” cho hàng ngàn hồ sơ trễ hạn
(Dân trí) - Trong năm 2018, TPHCM tiếp nhận giải quyết hơn 14,2 triệu hồ sơ, trong đó có hơn 68.200 hồ sơ trễ hạn. Trong số hồ sơ này còn 7.005 hồ sơ chưa được thực hiện thư xin lỗi, chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đất đai.
Chiều 19/2, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.
Báo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM cho biết, do lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết hàng năm quá lớn nên tỷ lệ hồ sơ trễ hạn dù được kéo giảm dưới 1% vẫn là số lượng rất lớn. Hồ sơ trễ hạn tập trung ở lĩnh vực đất đai, xây dựng, lý lịch tư pháp. Điều này gây bức xúc cho người dân. Theo ông Hùng, hồ sơ trễ hạn là người đứng đầu cơ quan chưa kiên quyết xử lý và đưa ra giải pháp triệt để.
Nói rõ hơn về hồ sơ trễ hạn, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Võ Sĩ cho biết, năm 2017, tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết là hơn 12 triệu, trong đó có hơn 38.000 hồ sơ trễ hạn, trong số hồ sơ trễ hạn có 22.000 hồ sơ được thực hiện thư xin lỗi.
Đến năm 2018, toàn thành phố tiếp nhận 14,2 triệu hồ sơ, trong đó có hơn 68.200 hồ sơ trễ hạn (0,48%). Các đơn vị, cơ quan đã thực hiện thư xin lỗi hơn 61.000 hồ sơ, còn 7.005 hồ sơ chưa được thực hiện xin lỗi.
“So với năm 2017 thì trong năm 2018, số lượng thư xin lỗi có tăng. Mặc dù có nhiều giải pháp kéo giảm nhưng tình trạng hồ sơ trễ hạn vẫn còn và tập trung ở lĩnh vực đất đai”, ông Sĩ nói.
Theo ông Sĩ, lãnh đạo một số đơn vị chưa quyết liệt, nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thực hiện thư xin lỗi, do đó thực hiện không đạt hiệu quả cao. Hồ sơ liên quan đến đất đai chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tại một số đơn vị.
Tại hội nghị, ông Sĩ cũng báo cáo về hiệu quả kinh tế khi thực hiện cải cách hành chính tại Văn phòng UBND TP. Theo đó, trong 2 năm qua, Văn phòng UBND TP áp dụng nhiều giải pháp trong cải cách hành chính, trong đó áp dụng thư mời điện tử, qua tin nhắn.
Theo ông Sĩ, việc làm này giúp thông tin về cuộc họp được chuyển tải nhanh đến những người liên quan và tiết kiệm chi phí. Những thư mời mật và tài liệu kèm theo vẫn được gửi bằng giấy. Trong trường hợp dời hay hoãn với các nội dung mật, văn phòng gửi thư điện tử thông báo vừa nhanh chóng và cũng bảo mật thông tin.
Phó Chánh Văn phòng UBND TP cho rằng, với những địa bàn như huyện Cần Giờ, trường hợp hoãn họp mà gửi thư giấy thì có khi lãnh đạo huyện lên tới thành phố rồi. Nhờ gửi thư điện tử, tin nhắn giúp lãnh đạo huyện tiếp nhận thông tin nhanh hơn.
Cũng nhờ hình thức gửi thư trên mà năm 2017, Văn phòng UBND TP tiết kiệm được 7 tỷ đồng và năm 2018 tiết kiệm được hơn 8 tỷ đồng.
Phát biểu tai hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao giải pháp của Văn phòng UBND TP, giúp tiết kiệm được 15 tỷ đồng tiền in ấn, gửi thư…
Ngoài ra, người đứng đầu Đảng bộ TP cũng đề cập đến ý nghĩa quan trọng của việc tổ chức đánh giá về sự hài lòng của người dân. Theo ông, trong năm qua trên toàn địa bàn thành phố có 88.000 lượt người tham gia đánh giá sự hài lòng là còn hạn chế.
Đơn cử, tại quận 1, có 25.000 lượt người tham gia đánh giá sự hài lòng nhưng so với tỷ lệ hồ sơ của quận tiếp nhận năm 2018 là trên 550.000 hồ sơ thì còn thấp.
Bí thư Nhân đề nghị các đơn vị, địa phương phải được chuẩn hóa tiêu chí đánh giá sự hài lòng trong năm 2019 để thuận lợi trong triển khai và đánh giá hiệu quả phục vụ trong hành chính công.
“Thành phố nên vận động người dân tham gia đánh giá sự hài lòng. Các cấp phải trả lời được sự hài lòng của người dân như thế nào”, ông Nhân nói. Theo ông, sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá hiệu quả công việc của công chức.
Nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp nhất là liên quan đến lĩnh vực đất đai, ông Nhân đề nghị thành phố xây dựng quy trình giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, làm sao rút ngắn được thời gian mà vẫn đảm bảo quy định pháp luật. Sau khi hoàn thành được quy trình, thành phố xin phép thí điểm.
Bí thư Nhân đề nghị nhanh chóng nhân rộng mô hình tiếp nhận thông tin trực tuyến đến các quận, huyện còn lại. Ông dẫn chứng, trong vòng 20 tháng, quận Bình Thạnh tiếp nhận 13.300 tin báo, trong đó tỷ lệ chính xác đến 95%. Theo ông, có hệ thống tiếp nhận thông tin trực tuyến, người dân cũng trở thành “thanh tra”.
Quốc Anh